Doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều lao động khôi phục sản xuất sau dịch COVID-19

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng hai phương án cung ứng lao động qua đào tạo, góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19.

Ngày 22/10, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức tọa đàm khoa học trực tuyến “Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội”.

Lao động trở lại làm việc đạt trên 60%

Thông tin về tình hình lao động, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh cho biết, đợt dịch COVIDd-19 vừa qua khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Với hơn 2 triệu người lao động bị ngừng việc và giảm việc làm, nên tỷ lệ lao động tham gia sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giảm xuống còn khoảng 55%, khiến đình trệ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tương đối lớn.

Chú thích ảnh
Tọa đàm khoa học thu hút đông đảo sự tham gia của các trường và doanh nghiệp.

Ông Đỗ Minh Sự cũng thông tin về việc, ngay sau khi chấm dứt giãn cách, ngành LĐTBXH TP Hồ Chí Minh thống kê, có trên 60% doanh nghiệp bắt đầu khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên 100 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 9.000 lao động, đa dạng các ngành nghề. Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có nhu cầu tuyển dụng lớn để đáp ứng nguồn sản lượng cho 3 tháng cuối năm 2021.

“Dự kiến, quý 4/2021, các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển dụng 60.000 lao động; tập trung khoảng 95% doanh nghiệp ngoài Nhà nước; 4% DN có vốn đầu tư nước ngoài; trong lĩnh vực thương mại điện tử khoảng 78%. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động là may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo, điện tử, bao bì, giao thông vận tải”, ông Đỗ Minh Sự cho hay.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho biết Việt Nam đang là địa điểm thu hút nhiều doanh nghiệp điện tử trên thế giới, có 6 công ty điện tử lớn nhất đã xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, giống như các doanh nghiệp công nghiệp đang gặp phải là ngành công nghiệp điện tử đang thiếu lao động sau dịch.

Theo bà Đỗ Thị Thùy Hương, đại dịch ảnh hưởng vô cùng lớn tới sản xuất điện tử, đặc biệt khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Tính tới ngày 21/10, các doanh nghiệp điện tử phía Nam mới thu hút được khoảng 60 - 70% lao động quay trở lại làm việc. Đơn cử như các phân xưởng của Samsung tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh dự định hoạt động 100% công suất trở lại trong tháng 11, nhưng với tình hình này vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tỷ lệ lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine chưa cao. Nhìn chung, tình trạng thiếu lao động vẫn đang khá trầm trọng.

Bên cạnh đó, bà Hương cũng cho biết hiện nay các doanh nghiệp FDI vẫn đánh giá đào tạo của lao động Việt Nam chưa theo kịp nhu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp khi tuyển công nhân đều phải đào tạo lại, mất ít nhất 1 tuần đến cả tháng với lao động giản đơn, còn với công nhân đứng máy phải mất vài tháng hoặc cử ra nước ngoài để đào tạo lại...

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: Đợt dịch vừa qua khiến 800 nhà máy trong khu công nghiệp phải đóng cửa, 700 nhà máy thực hiện 3 tại chỗ, - chủ yếu là các doanh nghiệp FDI do không thể để đứt gãy sản xuất, mất chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp phải thuê khách sạn, tốn thêm chi phí để thuê chỗ ở cho công nhân.

"Đến ngày 22/10, 91% doanh nghiệp của khu công nghiệp đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, với 70% lao động trở lại làm việc, còn 100.000 lao động ở tỉnh xa chưa trở lại", ông Bé cho biết và mong muốn cần có chính sách để đưa người lao động trở lại làm việc.

Sẵn sàng phương án hỗ trợ lao động cho doanh nghiệp

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, TP Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, đây cũng là giải pháp lâu dài, căn cơ để đảm bảo cuộc sống an sinh, xã hội cho người lao động. Bên cạnh đó, đại diện Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh cũng cho biết hiện nay nhiều lao động khi quay trở lại không muốn làm lại nghề cũ, do vậy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm cũng cần bắt tay để bồi dưỡng, đào tạo lại người lao động.

Chú thích ảnh
Đào tạo kỹ năng nghề để thích ứng với thị trường lao động. Ảnh: TTXVN.

"Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút lao động như hỗ trợ về kinh phí thuê nhà, chi phí vận chuyển, chi phí xét nghiệm tầm soát COVID-19... Đồng thời, các tỉnh nên có chương trình, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ đưa người lao động ở các tỉnh có nhu cầu quay lại thành phố làm việc", đại diện Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh cho biết.

Để khôi phục lại thị trường lao động hậu COVID-19, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, cho biết: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng 2 phương án bổ sung lực lượng lao động. Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, đưa 500.000 học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); 500.000 học sinh sinh viên thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp. Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng gần 200.000 học sinh, sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia tại doanh nghiệp.

Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để đảm bảo nâng cao tay nghề.

Ông Vũ Xuân Hùng cho rằng, hai phương án trên có thể huy động được học sinh, sinh viên tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh COVID-19 đang cần người lao động, cũng như đảm bảo được mục tiêu nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên. Cùng với đó là tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhìn nhận việc thu hút người lao động quay trở lại là bài toán của chính sách. Để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, một trong yêu cầu quan trọng nhất là người lao động quay trở lại sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội, điều này đặt ra nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. "Hiện nay, số lượng lao động quay trở lại chưa được 100%. Vậy một dấu hỏi cần xem xét tại sao lao động không quay trở lại được 100%, lý do vì sao", ông Toản đặt vấn đề.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp phải tình trạng khi dịch COVID-19 xảy ra thì tỷ lệ thất nghiệp rất lớn, lao động rời thị trường nhiều. Ngược lại khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp sản xuất trở lại thì thiếu hụt lao động xảy ra.

Trong bối cảnh này, ông Trương Anh Dũng cho rằng doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần doanh nghiệp để giúp học sinh, sinh viên thực hành. Điều này cần sự chung tay liên kết từ cả các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp tại địa phương.

"Chúng ta cần chung tay để tìm lời giải góp phần tránh đứt gãy nguồn cung lao động, nghiên cứu triển khai thực hiện chính sách phát triển lao động nghề, tăng cường giải pháp đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đang được triển khai, đào tạo lại cho người lao động đáp ứng Cách mạng công nghiệp 4.0", ông Dũng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
XM/Báo Tin tức
Thành lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động
Thành lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động

Ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung ký Quyết định số 1191/QĐ-LĐTBXH về việc thành lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN