Sở GTVT Hà Nội vừa có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các bến xe, hiệp hội vận tải và doanh nghiệp để thu thập ý kiến trước khi trình kế hoạch điều chuyển một số tuyến vận tải khách liên tỉnh từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội). Tại cuộc họp, các nhà xe đều “kêu trời” và không đồng thuận về kế hoạch này.
Điều chuyển để chống ùn tắc
Theo Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, tuyến đường Vành đai 3 trên cao và đường Phạm Hùng dẫn vào Bến xe Mỹ Đình hiện nay thường xuyên xảy ra ùn tắc, giao thông lộn xộn, gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT), bức xúc dư luận, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều nhà xe liên tỉnh chạy sai luồng tuyến, chạy vòng vo, dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định, nhất là trước cổng Bến xe Mỹ Đình.
Do đó, kế hoạch điều chuyển trên cần phải sớm thực hiện, nhằm giảm tải, hạn chế ùn tắc giao thông và tình trạng mất trật tự ATGT tại các bến xe. Đây là chủ trương trọng tâm của TP Hà Nội trong việc sắp xếp lại lộ trình hướng tuyến và quy hoạch các bến xe. Sở GTVT đã gửi văn bản kế hoạch điều chuyển tới các Sở GTVT địa phương và các doanh nghiệp đang khai thác tuyến tại Bến xe Mỹ Đình để lấy ý kiến, sau đó sẽ trình TP Hà Nội. Theo đó, giai đoạn 1, sở sẽ điều chuyển các tuyến từ Bến xe Mỹ Đình đi các Bến xe Nghệ An (66 lượt xe/ ngày), Hà Tĩnh (5 lượt xe/ngày), Gia Lai (1 lượt xe/ngày), Đắk Lắk (4 lượt xe/ngày) về bến xe Nước Ngầm.Giai đoạn 2 điều chỉnh các tuyến từ Bến xe Mỹ Đình đi các Bến xe Thanh Hóa (68 lượt xe/ngày) về Bến xe Nước Ngầm….
“Về quy trình, Sở GTVT Hà Nội lấy ý kiến các Sở GTVT, các doanh nghiệp có phương tiện thuộc diện điều chuyển, để tổng hợp báo cáo Bộ GTVT và trình TP Hà Nội phê duyệt. Đây là chủ trương chống ùn tắc giao thông của thành phố, kêu gọi các doanh nghiệp đồng thuận. Sau cuộc họp khẩn, đại diện các Sở GTVT, doanh nghiệp và bến xe ký kết biên bản góp ý…”, ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh.
Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó phòng CSGT Hà Nội cho rằng: Việc các nhà xe phía Nam chạy xuyên tâm đón khách dọc đường đang gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Do vậy, việc điều chuyển luồng tuyến từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông và nguy cơ tai nạn trên tuyến.
Còn đại diện Vụ Vận tải (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) khẳng định: Luật Giao thông đường bộ quy định Chủ tịch tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, do vậy việc TP Hà Nội điều chuyển xe từ Bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm để giảm ùn tắc, tai nạn là phù hợp… Do đó, Sở GTVT cần sớm hoàn thiện biểu đồ xe chạy và kế hoạch sau điều chuyển để báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/7.
Nhà xe kêu trời
Trước phương án điều chuyển luồng tuyến trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Nghệ An cho rằng: “Hiện nay, Bến xe Mỹ Đình không còn ùn tắc cả trong và ngoài bến. Các doanh nghiệp vận tải Nghệ An đang khai thác tuyến Nghệ An – Mỹ Đình (khoảng 85 xe) đều phải vay vốn ngân hàng đầu tư xe chất lượng cao và đang hoạt động ổn định. Nếu bây giờ bị buộc điều chuyển đi ngay sẽ gây nhiều khó khăn kinh doanh và có nguy cơ phá sản. Do vậy, các doanh nghiệp vận tải Nghệ An mong thành phố lùi thời gian điều chuyển đến năm 2020 theo đúng quy hoạch trước đây của Bộ GTVT để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân Nghệ An…”, ông Hùng kiến nghị.
Đại diện doanh nghiệp vận tải Đức Bình chạy tuyến Nghệ An – Mỹ Đình lập luận: Việc nhiều nhà xe chạy vòng vo bắt khách hiện nay trên đường vành đai 3 trên cao và đường Phạm Hùng, gây ùn tắc, lộn xộn không phải do các xe khách của Nghệ An, vì múi giờ xe Nghệ An về Bến xe Mỹ Đình từ 3 – 6 giờ sáng, xuất bến lúc 3 giờ chiều là khung giờ thấp điểm, khác với các tuyến xe khác. Bên cạnh đó, nếu lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, bắt giữ xe vi phạm thì phải xử lý nghiêm, thậm chí cắt tuyến xe, đình chỉ hoạt động, chứ không nên vì một vài xe khách hoạt động bát nháo mà điều chuyển cả tuyến. Chưa kể, việc điều chuyển tuyến sẽ gây xáo trộn đi lại của người dân và càng gây thêm ùn tắc giao thông vì xe dù, bến cóc.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Uy, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho rằng: Hiện nay bến xe này đã được mở rộng và không còn tình trạng ùn tắc và quá tải như trước đây. Do vậy, bến xe đề nghị Sở GTVT Hà Nội nên giữ nguyên các tuyến xe phía Nam đang hoạt động ổn định tại bến Mỹ Đình, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn vốn. Từ năm 2004, khi Bến xe Mỹ Đình vắng khách, các nhà xe đã chấp nhận bù lỗ hàng tỷ đồng đầu tư phương tiện, khai thác tuyến. Đến nay, các tuyến đã hoạt động thì đột ngột điều chuyển sẽ khiến doanh nghiệp kinh doanh khó khăn.
Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, việc các doanh nghiệp vay ngân hàng đầu tư xe, phải trả lãi hàng tháng và đang hoạt động ổn định để hoàn vốn, Sở GTVT đồng tình. Nhưng ngược lại các cơ quan chức năng và TP Hà Nội cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý vận tải, ổn định giao thông, cần được các doanh nghiệp chia sẻ.