Diện mạo hè phố Thủ đô - Bài 1: “Căn bệnh” nan y

“Không lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán” là chủ trương mà Hà Nội sẽ thực hiện trong “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”. Tuy nhiên, giải quyết tình trạng loạn lấn chiếm vỉa hè đang là bài toán quá nan giải của các cấp chính quyền từ thành phố tới phường, quận.


Bài 1: “Căn bệnh” nan y


Vỉa hè được sinh ra là dành cho người đi bộ, nhưng thực tế trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, vỉa hè không thể làm nhiệm vụ này. Tình trạng tận dụng triệt để vỉa hè để mưu sinh đang tạo nên bức tranh hỗn độn về giao thông đô thị, được ví như một căn bệnh nan y chưa tìm được thuốc chữa!

 

Khách chưa kịp nhấp chén trà, anh Ngọc Đông, “chủ quán” nước trên vỉa hè tại ngã tư Vọng Đức - Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm) đã cuống quýt giục: “Anh ơi, anh cầm cái chén giúp em”. Vừa nói, anh Đông nhanh tay giật lấy chiếc ghế nhựa khách đang ngồi, rồi dúi vào bao tải, giấu sau gốc cây gần đó, giả như một đống rác. Khách chưa kịp hiểu sự tình ra sao thì chiếc xe trật tự phường Hàng Bài từ xa tiến đến. Mấy anh dân phòng nhảy từ trên xe xuống, kịp tịch thu vài cái ghế, cái điếu cày mà chủ quán chưa kịp cất. Chiếc xe tiếp tục lăn bánh cùng với chiếc loa phát ra mệnh lệnh vô cùng quen thuộc với bất cứ cư dân có nhà mặt phố nào: “Đề nghị các hàng quán thu dọn hết bàn ghế lấn chiếm vỉa hè...”. Cứ thế, chiếc xe lần lượt ghé qua các tuyến phố lân cận.

 

 

Một đoạn vỉa hè phố Lò Rèn biến thành xưởng gò hàn.


Tại quán trà này, hàng ngày khách ngồi la liệt, lấn chiếm hết cả vỉa hè, không chừa lấy một chỗ cho người đi bộ. Anh Đông chia sẻ: “Tôi ngồi đây bán trà đá ở đây được hơn một năm rồi. Ai đến uống trà, hút thuốc thì tôi mới lấy ghế và đồ trong tải ra. Phải ngụy trang như vậy để qua mắt dân phòng! Mỗi khi thấy xe trật tự phường xuất hiện, đồ không được giấu kịp, sẽ bị tịch thu hết. Hàng ngày, xe trật tự phường chạy qua các tuyến phố thuộc địa bàn phụ trách vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều để kiểm tra. Vào giờ đấy, tôi lo cuống cuồng lên nhưng xong đâu lại vào đấy...”. Anh Đông hồn nhiên kể về nghề mưu sinh của mình mà không ý thức được rằng, hành vi đó của anh đã vi phạm Luật Giao thông, lấn chiếm phần đường của người đi bộ.


Anh Hải Bình, một người dân ở quận Ba Đình bức xúc cho biết: “Hôm trước, tôi có việc đi bộ qua phố Lò Rèn, thì bị tia lửa điện từ máy hàn của mấy anh thợ đang cắt sắt trên vỉa hè bắn vào người, dù tôi đã phải đi xuống dưới lòng đường. Tôi bực mình nên nói lại thì bị mấy anh thợ hàn mắng té tát: ‘Đi đứng không cẩn thận, còn kêu ca gì?’. Nghĩ rằng đôi co với họ cũng chẳng ăn thua nên tôi đành bỏ đi. Dù bỏ đi cho xong chuyện nhưng tôi vẫn thấy ấm ức vì mặc dù mình đã phải nhượng bộ đi xuống lòng đường, nhường vỉa hè cho các anh thợ làm xưởng, nhưng lại bị mắng ngược”.

 

Quán nước lấn chiếm hết vỉa hè Vọng Đức - Ngô Quyền.


Dọc đường Trần Nhật Duật, đoạn từ gầm cầu Long Biên đến gầm cầu Chương Dương, vỉa hè dành cho người đi bộ đã bị hàng quán chiếm dụng hết. Các hộ dân trên khu phố này đã biến vỉa hè thành gara sửa xe, quán bán hàng ăn, hay quầy hoa quả... Tại bến xe buýt Ô Quan Chưởng, người chờ xe buýt vào các giờ cao điểm đông nghịt, nhưng vỉa hè đã bị các quán nước chiếm dụng nên họ phải đứng tràn xuống dưới lòng đường. Thậm chí, ngay cả khi đứng dưới lòng đường, hành khách đợi xe buýt cũng không được yên vì họ thường bị chủ quán nước "nhắc nhở" với thái độ thiếu thiện chí bởi lý do chắn hết hàng quán.

 

Bác Vũ Dũng, thường xuyên chờ xe buýt tại đây bức xúc cho biết: “Khách đứng chờ xe buýt mà đứng xuống lòng đường là vi phạm Luật Giao thông. Sự thực thì chẳng ai muốn làm như vậy, nhưng vỉa hè đã bị người ta chiếm dụng hết cả rồi. Và vô lý hơn nữa là những người bán hàng nước tại đây đã chiếm vỉa hè, lại còn lên tiếng nhắc nhở hành khách, cứ như thể vỉa hè là nhà riêng của những chủ quán này. Chuyện này diễn ra hàng ngày nhưng không thấy chính quyền sở tại chấn chỉnh”.


Đường Láng (quận Đống Đa) từ lâu cũng được biết đến là một trong những phố “siêu thị vỉa hè” quen thuộc của người dân, với đầy đủ các loại hàng hóa. Chỉ một đoạn đường dài hơn 1 km đã có tới 50 quầy hàng quần áo, giày dép, tranh ảnh... án ngữ trên vỉa hè. Phố “siêu thị” này thường hoạt động nhộn nhịp nhất từ 15 - 22 giờ hàng ngày và thu hút trí tò mò của không ít người tham gia giao thông. Giờ tan tầm, tình trạng tắc đường tại đây diễn ra phổ biến, do khách vào mua hàng dừng đỗ vô tội vạ dưới lòng đường...


Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin Tức, để thuê một gian hàng khoảng 20 m2 trên những tuyến phố này, người kinh doanh phải trả trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Do đó, để thu hồi vốn, các chủ hàng đã tận dụng triệt để việc lấn chiếm vỉa hè bày bán hàng hóa. Chị Kim Dung, kinh doanh thời trang trên phố Chùa Bộc bật mí: Tiền thuê cửa hàng phải trả 10 triệu đồng/tháng, cộng thêm các chi phí thuê nhân công, tiền điện nước hàng tháng nên mỗi tháng, một cửa hàng phải đạt doanh thu từ 25 - 30 triệu đồng mới đủ trang trải. Khi được hỏi, việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè nhưng tại sao không bị các lực lượng chức năng nhắc nhở, xử lý, thì chị Dung cho biết: “Có luật hết rồi!”.


Bài và ảnh:Tiến Hiếu - Thu Hồng

 

Đón đọc kỳ sau: Quản lý chồng chéo

Diện mạo hè phố Thủ đô - Bài cuối: Trả vỉa hè cho người đi bộ
Diện mạo hè phố Thủ đô - Bài cuối: Trả vỉa hè cho người đi bộ

Để hoàn thành “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”, thành phố Hà Nội đang xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử người Hà Nội, trong đó có nội dung không lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán… Vỉa hè phải được thực hiện đúng chức năng: Dành cho người đi bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN