Nghị định 10/CP thay thế Nghị định 86/CP có hiệu lực từ ngày 1/4/2020 đã tạo điều kiện cho taxi truyền thống và taxi công nghệ (Be Car, Grab Car) cạnh tranh bình đẳng trên thị trường vận tải khách.
Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 10/CP cho phép taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe hoặc dán logo phản quang “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe. Hộp đèn “TAXI” phải có kích thước tối thiểu là 12x30cm, còn logo làm bằng vật liệu phản quang có kích thước tối thiểu của cụm từ "XE TAXI" là 6x20 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI".
Nghị định cũng nêu rõ, nếu là xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền thì trên xe phải gắn đồng hồ được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe. Đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình...
Tất cả các quy định này nhằm tạo điều kiện cho hành khách dễ nhận biết, không phân biệt đối xử giữa hai loại hình vận tải khách, nhất là xe công nghệ Be, Grab đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Tuy nhiên, xe công nghệ Be, Grab car chưa kịp tham gia giao thông, phục vụ khách hàng sau khi Nghị định có hiệu lực, thực hiện Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội 15 ngày, từ 0 giờ ngày 1/4, tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải trong cả nước, Be, Grab cũng đã phải tạm dừng hoạt động loại hình dịch vụ gọi xe này, cùng với các dịch vụ phụ được nhiều người tiêu dùng lựa chọn như: Grabfood, Grab tỉnh, tuyến, Grab Rent, be car, befood, beBike...
Theo đơn vị truyền thông của Be, Grab, từ ngày 1/4, các doanh nghiệp này sẽ tạm dừng tất cả các dịch vụ vận chuyển khách bằng xe 2, 4 bánh trong vòng 15 ngày trong cả nước để phòng chống dịch COVID-19. Song, các dịch vụ giao hàng beDelivery, be Đi chợ vẫn hoạt động bình thường cho đến khi có thông báo mới.
“Đây là hoạt động được thực hiện tuân theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, lái xe và cộng đồng. Nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện, dịch vụ be Đi chợ sẽ giảm giá phí mua hàng từ 50.000 đồng xuống 30.000 đồng cho mỗi đơn hàng. Bên cạnh đó, từ ngày 1/4, dịch vụ này được mở rộng thêm hình thức thanh toán tiền mặt và hạn mức giá trị đơn hàng lên đến 1 triệu đồng, thay vì chỉ chấp nhận khách hàng sử dụng thẻ và hạn mức 500.000 đồng như trước đây”, đại diện truyền thông beGroup thông tin.
Tương tự Be, đại diện Grab cho biết, sẽ có phương án hỗ trợ phù hợp cũng như duy trì chương trình GrabBenefits cho lái xe bị ảnh hưởng. Việc tạm dừng cung cấp các dịch vụ có thể sẽ tạo ra bất tiện cho khách hàng, lái xe, đối tác nhà hàng, doanh nghiệp, nhưng vì sự an toàn của khách hàng và cộng đồng, việc tạm dừng sẽ chung tay cùng xã hội phòng chống dịch COVID-19 đang được Chính phủ quyết liệt triển khai.
"Dịch vụ GrabFood tại các tỉnh, thành phố khác, dịch vụ GrabMart tại TP Hồ Chí Minh và dịch vụ GrabExpress trên toàn quốc vẫn được duy trì bình thường, tiếp tục phục vụ người tiêu dùng, góp phần hỗ trợ hoạt động mua sắm trực tuyến theo khuyến nghị của Chính phủ, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các khuyến nghị nhằm đảm bảo an toàn y tế từ phía cơ quan chức năng", đại diện Grab cho biết.
Trước đó, để hạn chế tối đa việc vận chuyển hành khách, phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19, đối với lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Sở GTVT tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dừng hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4.
Ở góc độ quản lý vận tải, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, từ ngày 1/4, loại hình xe hợp đồng điện tử đang hoạt động như: Grab, Be, Fastgo… sẽ phải thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ, nhằm mục đích sinh lợi; đồng thời, thực hiện trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, đảm bảo các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định, cũng như các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
"Đây là quy định mở để đơn vị tự xác định và phân định rõ hoạt động của mình mà lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp và phải chấp hành theo đúng các điều kiện đã lựa chọn. Bên cạnh đó, theo Nghị định 10/CP, loại hình xe hợp đồng điện tử được áp dụng trên địa bàn cả nước", ông Trần Bảo Ngọc cho hay.
Cũng theo ông Trần Bảo Ngọc, Nghị định 10/CP được ban hành với quy định để tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị kinh doanh vận tải. Việc lựa chọn loại hình kinh doanh nào cho phù hợp là quyền quyết định của tổ chức, cá nhân khi đầu tư. Đồng thời, khi lựa chọn theo hình thức kinh doanh nào, phải chấp hành đầy đủ các điều kiện được quy định cho loại hình kinh doanh đó.
Trao đổi về Nghị định 10/CP, truyền thông Be, Grab khẳng định đang phối hợp với Bộ GTVT và các Sở GTVT ngoài việc tuân thủ nghiêm Chỉ thị 16/TTg và Nghị định 10/CP, khẩn trương đăng ký xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo Nghị định mới, đảm bảo không gián đoạn phục vụ khách hàng và hợp tác với các lái xe thời gian tới.
Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với yêu cầu hạn chế kinh doanh, di chuyển, tụ tập đông người, việc thực hiện dán decal "TAXI" hiện chưa đạt được tỷ lệ 100% xe đăng ký trước ngày 1/4.