Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, sau hơn nửa tháng phát hiện ổ dịch đầu tiên (vào ngày 16/6), đến nay trên địa bàn đã phát hiện 33 ổ dịch; tập trung tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, thị xã Kiến Tường và Tân Hưng. Tổng số lợn mắc bệnh dịch bị tiêu hủy là 822 con với tổng trọng lượng tiêu hủy 51,7 tấn.
Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh Long An cũng phát hiện 3 trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mua thịt lợn thương phẩm dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Các trường hợp này đều mua thịt lợn từ chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) để làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm. Toàn bộ số thịt lợn phát hiện có nhiễm dịch đều được tiêu hủy theo quy định để tránh lây lan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An dự báo thời gian tới dịch bệnh có thể sẽ lây lan trên diện rộng, nhất là ở những địa phương giáp ranh vùng dịch. Nguyên nhân do Long An là địa bàn tập trung số lượng lớn cơ sở giết mổ với tổng công suất lên đến 2.500 con/đêm, lợn giết mổ chủ yếu nhập từ các tỉnh, thành phố khác nên khó kiểm soát; người chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi; sử dụng nguồn nước ô nhiễm; ý thức tiêu độc khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh chưa thường xuyên…
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết: Trước tình hình dịch bệnh lây lan ngày càng nhanh, ngành chức năng phối hợp với các địa phương triển khai tiêu độc khử trùng tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp. Tại vùng dịch thực hiện tiêu độc khử trùng 1 lần/ngày, sau đó 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo. Tại vùng bị dịch uy hiếp thực hiện tiêu độc khử trùng 1 lần/tuần trong 3 tuần. Số lượng vôi và thuốc khử trùng đã cấp và sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh là 1.600 lít thuốc khử trùng và hơn 39 tấn vôi.
Song song đó, tỉnh duy trì hơn 30 chốt kiểm dịch để siết chặt kiểm tra, quản lý số lượng lợn và sản phẩm từ thịt lợn vận chuyển qua địa bàn. Đồng thời, tập trung thông tin tuyên truyền cho người dân các biện pháp an toàn sinh học để phòng bệnh; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến trên heo như: tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, lở mồm long móng.