Hiện đã có 129 hộ, 30 thôn, buôn, 12 xã thuộc 6 huyện, thành phố (thành phố Buôn Ma Thuột; các huyện Ea Súp, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Ana, Buôn Đôn) có lợn bị nhiễm bệnh với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy 1.438 con, với trọng lượng trên 60,3 tấn.
Riêng ngày 3/7, phát sinh và tiêu hủy 93 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi ở huyện Ea Súp và Krông Ana. Đặc biệt, tại huyện biên giới Ea Súp, bệnh tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và đang có chiều hướng lây lan ra diện rộng.
Đến nay trên địa bàn toàn huyện Ea Súp đã có 107 hộ có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi của 22 thôn, buôn và Đồn biên phòng thuộc 6 xã (lợn bệnh chết và buộc phải tiêu hủy 1.033 con).
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các địa phương vào cuộc quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống, dập dịch nhằm giảm tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch để tổ chức triển khai xử lý tiêu hủy kịp thời, triệt để lợn bệnh và nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm hạn chế lây lan ra diện rộng.
Khi nghi ngờ lợn bị bệnh, các cơ quan chức năng phải lấy ngay mẫu gửi về cơ quan xét nghiệm đã được chỉ định để xác định bệnh từ đó có cơ sở trong công tác xử lý ổ dịch. Tại các địa phương thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời trên các tuyến đường trọng yếu; tổ chức vệ sinh cơ giới, phun thuốc tiêu độc, sát trùng ổ dịch, khu vực lân cận và hố tiêu hủy.
Bên cạnh đó, thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán, vận chuyển lợn tại địa bàn, tiếp tục giám sát chặt chẽ về tình hình chăn nuôi và dịch bệnh trên đàn lợn của các xã cũng như toàn huyện, thành phố đã xảy ra bệnh dịch.
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, tạm dừng việc mua bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra ngoài địa bàn, cử cán bộ thú y tiếp tục thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý chất thải và địa điểm tiêu hủy lợn 1 lần/ngày (trong vòng 1 tuần đầu).
Ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng khuyến cáo bà con không nên tái đàn lợn ồ ạt trong giai đoạn hiện nay để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế khi xảy ra dịch bệnh; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi; chuyển đổi phương thức chăn nuôi lợn sang chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ và gia cầm.
Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn, ngày 27/6, Đắk Lắk áp dụng mức giá hỗ trợ lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy theo Quyết định 793/QĐ-TTg, ngày 27/6 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, mức hỗ trợ đối với cơ sở chăn nuôi là 25 nghìn đồng/kg lợn thịt và 30 nghìn đồng/kg lợn nái, lợn đực đang khai thác. Các doanh nghiệp chăn nuôi vừa và nhỏ được hỗ trợ 8 nghìn đồng/kg lợn thịt, 10 nghìn đồng/kg lợn nái, lợn đực đang khai thác, hỗ trợ mức 500 nghìn đồng/con lợn giống cụ kỵ, ông bà cho đến ngày 3/12 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ hộ chăn nuôi.