Đề xuất sớm sửa Pháp lệnh ưu đãi người có công và Luật Lao động

Ngày 8/6, Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) đã họp với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 – 2017 và các năm tiếp theo.

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH báo cáo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2016-2017

Theo Bộ LĐTBXH, trong năm 2016 – 2017, Chính phủ sẽ trình với Quốc hội 2 dự án: Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012 và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động.


Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đánh giá: "Đối với người có công, qua đợt tổng rà soát vừa qua cho thấy, đa phần các đối tượng đều được hưởng chính sách. Tuy nhiên, số tồn đọng chưa được giải quyết đang phần nào gây bức xúc cho các đối tượng được hưởng và thân nhân của họ. Theo thống kê, hiện còn tồn đọng khoảng 2.000 hồ sơ chưa được công nhận thương binh, liệt sĩ. Tất cả đối tượng này đều vướng do không còn đủ hồ sơ. Một phần do sự tắc trách của những đơn vị tiếp nhận xử lý hồ sơ".


“Vừa rồi, tôi có rút ngẫu nhiên 5 bộ hồ sơ còn tồn đọng. Đáng chú ý có hồ sơ đã 39 năm chưa được công nhận liệt sĩ chỉ vì không còn giấy tờ gốc và các đơn vị hữu quan không dám giải quyết vì vướng thủ tục. Tôi đã yêu cầu các đơn vị liên quan ngồi lại xem cùng xem xét, nghiên cứu tìm nguyên nhân và quy trình xử lý. Hiện Bộ LĐTBXH sẽ gấp rút họp với các địa phương xây dựng quy trình, sau đó gửi cho một số tỉnh có kinh nghiệm xử lý như tỉnh Bắc Giang góp ý trước khi công bố”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.


Bên cạnh những hồ sơ thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng, vấn đề còn tồn tại nhất hiện nay là các trường hợp nhiễm chất độc da cam. “Vướng nhất là 17 loại bệnh do Bộ Y tế công bố do phơi nhiễm chất độc da cam chưa đủ căn cứ khoa học. Nhiều đối tượng không bị nhiễm chất độc da cam cũng mắc bệnh này dẫn đến hiện tượng một số đối tượng lợi dụng chính sách trục lợi. Nhiều đối tượng không ở trong vùng nhiễm chất độc da cam nhưng vẫn khai nhận nhiễm chất độc da cam. Do đó, Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế sớm họp để bàn thảo những tồn tại vướng mắc. Từ đó sẽ có quy định cụ thể trong việc sửa đổi đối với Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.


Đối với Luật Lao động, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện đã thấy bất cập so với thực tiễn, nhất là vấn đề lương, làm thêm giờ, đóng bảo hiểm xã hội. “Do đó, việc sửa Luật Lao động là cấp thiết nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tế phát sinh trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp, tính linh hoạt của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập; đồng thời phù hợp với các luật khác liên quan như Luật Dân sự sửa đổi, Luật Tố tụng Dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật Hình sự..., cũng như đáp ứng các cam kết trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia”, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho biết.


Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng đây là 2 vấn đề nổi cộm liên quan đến vấn đề dân sinh nên sớm sửa đổi bổ xung để phù hợp với thực tế. Với dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012, Bộ LĐTBXH nghiên cứu đề xuất giải pháp tối ưu để giải quyết những trường hợp tồn đọng, trong quá trình nghiên cứu, nếu thấy cần thiết thì có thể nâng lên thành Luật người có công.


Còn đối với Luật Lao động, theo đăng ký của Chính phủ với Quốc hội, dự án này sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thực tế và thời hạn trong Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bộ LĐTBXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ đăng ký trình Quốc hội sớm hơn một kỳ họp, dự kiến thông qua vào tháng 10/2017.


Trong gian đoạn 2018 - 2020, Bộ LĐTBXH dự kiến sẽ nghiên cứu các dự án luật sau: Dự án sửa đổi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm nâng thành Luật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Dự án Luật trợ giúp xã hội; Dự án Luật Công tác xã hội.

Xuân Cường
Ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt lên đường đi Nhật
Ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt lên đường đi Nhật

Ngày 24/5, tại Hà Nội, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đơn vị đào tạo Arc Academy tổ chức Lễ xuất cảnh các ứng viên điều dưỡng, hộ lý khóa 3 đi làm việc tại Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN