Thưa ông, người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều quy định hiện vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Để góp phần hỗ trợ tốt hơn cho người khuyết tật thời gian tới, Cục Bảo trợ xã hội sẽ tham mưu cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi gì về mặt chính sách?
Trong những thập kỷ qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm ổn định đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật nói chung, tổ chức của người khuyết tật nói riêng. Để thể chế hóa Điều 59 của Hiến pháp năm 1992, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật: luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách giúp cho người khuyết tật có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên, tự khẳng định mình trong cuộc sống.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện có gần tám triệu người khuyết tật từ hai tuổi trở lên, chiếm 7,8% dân số; mặt khác điều kiện đất nước còn khó khăn nên các chính sách hỗ trợ người khuyết tật còn eo hẹp, như: mức trợ cấp xã hội hàng tháng còn quá thấp so với mặt bằng mức sống dân cư, chưa bảo đảm được những nhu cầu sống tối thiểu của người khuyết tật. Việc tiếp cận với các dịch vụ y tế còn khó khăn, nhất là đối với người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa. Phần lớn trẻ em khuyết tật vẫn chưa tiếp cận được với dịch vụ giáo dục, nhất là ở nông thôn. Tỷ lệ người khuyết tật được học nghề còn thấp, phần lớn những người khuyết tật có việc làm không ổn định, chủ yếu là tự tạo việc làm, làm việc trong các tổ chức, cơ sở mang tính nhân đạo từ thiện... Từ những thực tế đó, năm 2010 Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; phê duyệt đề án trợ giúp người khuyết tật.
Trong thời gian tới Cục Bảo trợ xã hội sẽ tham mưu cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam triển khai hiệu quả Luật Người khuyết tật, Đề án trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, tạo điều kiện để người khuyết tật thực hiện quyền, nghĩa vụ một cách đầy đủ, bình đẳng về mọi mặt, để họ vươn lên, hòa nhập cộng đồng, đóng góp cho xã hội. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật và công tác trợ giúp người khuyết tật; nghiên cứu đồng bộ để sửa đổi các quy định liên quan đến người khuyết tật trong quá trình chuẩn bị, trình Quốc hội các dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Kiến trúc, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)..., tiếp tục nghiên cứu toàn diện để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Công tác xã hội trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào thời điểm hợp lý.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ ban hành các tài liệu kỹ thuật liên quan đến tiếp cận các công trình xây dựng, như: sổ tay hướng dẫn thiết kế các loại công trình: trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao, khách sạn, nhà chung cư, đường, hè phố… đảm bảo người khuyết tật dễ dàng tiếp cận sử dụng; hỗ trợ kỹ thuật về thiết kế cải tạo các công trình cấp xã (phường), cấp huyện (quận) và tiến hành xây dựng cải tạo thí điểm tiếp cận các công trình dân sinh, công trình trụ sở hành chính cơ quan nhà nước...
Hiện tại nước ta chỉ có 30% người khuyết tật ở độ tuổi lao động (trong tổng số gần 8 triệu người khuyết tật) có khả năng làm việc tạo thu nhập cho bản thân, gia đình, xã hội. Nhiều lao động khuyết tật vẫn gặp các rào cản trong quá trình tiếp cận cơ hội việc làm/tự tạo việc làm. Theo ông, giải pháp nào cần được triển khai để người khuyết tật có thể học nghề, tìm kiếm việc làm hoặc tự khởi nghiệp dễ dàng hơn?
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, lao động là người khuyết tật nói riêng. Trên cơ sở các quyền lao động, việc làm của người khuyết tật trong Hiến pháp, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật. Trên cơ sở các luật hiện hành Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Ngoài các chính sách của Trung ương, nhiều địa phương đã chủ động nghiên cứu, tổ chức thực hiện những chính sách riêng nhằm trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn.
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt ra mục tiêu “Tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người” (mục tiêu 8), đồng thời, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 159 của Tổ chức Lao động quốc tế về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật. Do đó, đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật nói riêng, tạo thuận lợi cho người khuyết tật nói chung hòa nhập cộng đồng đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực chung của các cấp, ngành và cộng đồng.
Để người khuyết tật có thể học nghề, tìm kiếm việc làm hoặc tự khởi nghiệp trong thời gian tới thì theo tôi, cần sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho họ theo hướng phù hợp với các Công ước mà Việt Nam tham gia, đảm bảo khả thi, hiệu quả; đôn đốc các địa phương chú trọng thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật, dành 10% chỉ tiêu và 20% kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đào tạo nghề cho người khuyết tật; tăng cường thông tin, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, tạo cơ hội tiếp cận, thụ hưởng các chính sách; phổ biến, nhân rộng các mô hình học nghề, tạo việc làm hiệu quả cho người khuyết tật.
Đối với việc hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận vốn vay ưu đãi tạo việc làm, cần ưu tiên bổ sung vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm cho Hội người mù Việt Nam; hướng dẫn các địa phương xem xét việc quy định một tỷ lệ nhất định về việc ưu tiên cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm hoặc các nguồn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường huy động bổ sung nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm để cho vay đối với người khuyết tật.
Về kết nối việc làm cho người khuyết tật qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, cần hướng dẫn các trung tâm này tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật; lồng ghép hoặc tổ chức riêng các phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật; nhân rộng cẩm nang hướng dẫn quy trình cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật, thực hiện có hiệu quả hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật trong Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm trong Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020.
Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã xây dựng, thí điểm ứng dụng phần mềm đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật bao gồm nạn nhân bom mìn trong ba năm qua và tới đây sẽ tiếp tục được mở rộng thực hiện tại một số địa phương. Vậy, phần mềm này có ý nghĩa/tiện ích gì trong việc quản lý hồ sơ, trợ giúp người khuyết tật trong tương lai, thưa ông?
Phần mềm Đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn đã được Cục Bảo trợ xã hội thí điểm trong ba năm qua có nhiều tiện ích dành cho các đối tượng, cơ quan quản lý nhà nước và các nhóm đối tượng khác.
Cụ thể, người khuyết tật/nạn nhân bom mìn có thể vào phần mềm để đăng ký tài khoản, thông tin, không cần phải chờ đợi đến những đợt khảo sát, thống kê của cán bộ quản lý, giúp giảm thiểu thời gian, công sức, tiền bạc; không phải đi xa để đăng ký thông tin, chỉ cần máy tính có kết nối internet là có thể thao tác được trên phần mềm. Phần mềm còn hỗ trợ người khuyết tật/nạn nhân bom mìn đăng ký thông tin đề nghị cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Khi có Giấy xác nhận khuyết tật, người khuyết tật/nạn nhân bom mìn sẽ được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định. Các thông tin trên phần mềm luôn được cập nhật do người khuyết tật/nạn nhân bom mìn được chủ động cập nhật các thông tin biến động. Đối tượng cũng biết được tình trạng thông tin mình đã đăng ký vào phần mềm được cán bộ quản lý xử lý đến bước nào do phần mềm có tương tác hai chiều, thông qua chức năng thông báo trực tiếp trên phần mềm hoặc qua email đã đăng ký trước.
Đối với các cấp quản lý, phần mềm mang đến nhiều tiện ích rõ rệt, như: hỗ trợ cán bộ cấp xã giải quyết chính sách trong việc xét duyệt đề nghị cấp Giấy xác nhận khuyết tật của đối tượng; hỗ trợ quá trình tác nghiệp của cán bộ quản lý cấp xã thông qua các thông báo, cảnh báo về thời hạn tác nghiệp, thay đổi về loại đối tượng để kịp thời giải quyết chính sách nhanh chóng, chính xác. Phần mềm có tương tác hai chiều giữa người khuyết tật/nạn nhân bom mìn và cán bộ quản lý thông qua tiện ích thông báo trực tiếp trên phần mềm hoặc qua email (đã đăng ký trước) về các tác nghiệp của đối tượng cũng như của cán bộ quản lý. Do thông tin trên phần mềm luôn được cập nhật, nên cán bộ quản lý nhanh chóng nắm bắt được các thông tin thay đổi trên phần mềm để có số liệu, thông tin nhanh, chính xác trong việc lập báo cáo, giải quyết các chính sách trợ giúp cho người khuyết tật theo quy định. Các cấp quản lý lập báo cáo rất nhanh chóng do phần mềm tự động chiết xuất các báo cáo theo mẫu quy định (hiện nay là 18 loại) và tạo ra các báo cáo tùy biến theo nhu cầu sử dụng thông tin.
Đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật là phần mềm của Trung ương, được thống nhất từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh và Trung ương. Mỗi cấp quản lý sẽ được phân quyền truy cập và sử dụng hệ thống. Phần mềm được đặt tại cổng thông tin điện tử của Cục Bảo trợ xã hội. Hiện tại phần mềm còn một số trường thông tin mở như mã số an sinh xã hội để phục vụ mục đích dài hạn khi tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội theo Quyết định 708/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030.
Đối với các đối tác phát triển/nhà tài trợ/tổ chức phi chính phủ, phần mềm này giúp họ có cở sở để lập kế hoạch tài trợ, triển khai hỗ trợ dựa trên bằng chứng số liệu về địa phương, địa bàn và nhu cầu thực tế của người khuyết tật/nạn nhân bom mìn.
Công tác xã hội được coi là một trong những nghề mới ở Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp người khuyết tật. Dự thảo Nghị định về Công tác xã hội hiện đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ xem xét. Xin ông cho biết một số nội dung quan trọng của Nghị định này?
Đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có trên 15 bộ luật, luật; 7 pháp lệnh và hơn 50 nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư và các văn bản chỉ đạo khác có nội dung liên quan đến công tác xã hội. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32), các bộ, ngành, địa phương đã triển khai và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phát triển mạng lưới cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội... Một số quy định về công tác xã hội để trợ giúp các đối tượng như người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, người bán dâm, nạn nhân bạo lực gia đình đã được quy định tại nhiều bộ luật, luật chuyên ngành như: Bộ luật Lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và nhiều chương trình, Đề án liên quan đến trợ giúp xã hội.
Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý phát triển công tác xã hội chưa được quy định một cách toàn diện, đầy đủ, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội. Chưa có nghị định quy định riêng về công tác xã hội làm cơ sở định hướng phát triển công tác xã hội trong các ngành, lĩnh vực hiện đang được điều chỉnh bởi các văn bản quy định của các bộ, ngành liên quan. Nhiều văn bản pháp luật quy định về công tác xã hội có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là nghị định và thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.
Vì vậy, việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về Công tác xã hội không chỉ đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và khu vực, còn là sự phù hợp với tinh thần Điều 34, Điều 59 Hiến pháp năm 2013: "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội; Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.
Theo đó, dự thảo Nghị định Công tác xã hội áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động công tác xã hội làm việc trong các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các lĩnh vực liên quan khác. Đồng thời, dự thảo cũng quy định về vai trò, nhiệm vụ của công tác xã hội, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội; cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; quy trình, thủ tục thực hiện dịch vụ công tác xã hội; các điều kiện bảo đảm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác xã hội...
Trân trọng cảm ơn ông!