Đắt gấp 2-3 lần nhưng khó phân biệt rau hữu cơ và rau thường

Theo các chuyên gia nông nghiệp, rất khó phân biệt phân biệt rau hữu cơ, rau an toàn và các loại rau thường trên thị trường.

Tại các cửa hàng thực phẩm sạch, rau sạch như: Bác Tôm, Biggreen… rau hữu cơ, rau an toàn được bán với giá gấp đôi, thậm chí gấp ba lần rau ngoài thị trường nhưng vẫn “đắt” khách.
 
Rau muống được bán với giá 32.000 đồng/kg, cải xanh 32.000 đồng/kg, cải ngọt 32.000 đồng/kg, cải xoong 32.000 đồng/kg,  rau ngót 40.000 đồng/kg… Trong khi đó, tại các chợ cóc, chợ tạm, rau muống, rau cải xanh, cải cúc, rau ngót… có giá từ  5.000 – 10.000 đồng/mớ (tương đương 0,5 - 1 kg).

Các loại rau hữu cơ, rau an toàn lại đang “lên ngôi” do người tiêu dùng lo ngại các loại rau thông thường bị phun thuốc sâu, có chất kính thích... không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chị Phạm Thị Thu, một khách hàng quen thuộc của cửa hàng Bác Tôm ở Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) cho biết: “Rau hữu cơ thường xấu hơn rau thường, cây rau cứng hơn, luộc lâu chín và nhiều loại rau có lỗ nhỏ tấm lấm như bị sâu ăn. Ví dụ, rau muống cứng, mầu xanh nhạt, không xanh mướt như rau ngoài chợ”.

Người tiêu dùng rất khó phân biệt giữa rau hữu cơ và rau thường.Ảnh: H.V

Để phân biệt rau hữu cơ với rau thường, TS Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu Cơ Việt Nam cho biết: “Nhiều người cho rằng, rau hữu cơ có lá cứng hơn, thủng lỗ chỗ như có sâu ăn… nhưng thực tế, rất khó phân biệt rau hữu cơ, rau an toàn và các loại rau thường. Hay nói cách khác, gần như không thể phân biệt được rau hữu cơ và rau thường. Vì rau hữu cơ được chăm sóc tốt, đúng quy trình thì mẫu mã đẹp không kém các loại rau khác”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam thừa nhận: “Rất khó phân biệt rau hữu cơ, rau an toàn và rau thường. Vì trồng rau phụ thuộc nhiều vào điều kiện chăm sóc, thời tiết, khí hậu, vùng trồng, nước tưới”.

Ông Hưng ví dụ, rau muống hữu cơ được trồng trong khu vực có mưa, rau lên tốt, lá xanh mướt không khác các loại rau ngoài thị trường. Thậm chí, nếu trồng đúng cách, mẫu mã rau hữu cơ còn đẹp hơn rau thường. Với rau bình thường, nếu trồng ở vùng khô cằn cũng sẽ khô, cứng, mẫu mã xấu. Do vậy, chỉ phân biệt được phần nào khi rau hữu cơ và rau thường trồng cùng một vùng đất, cùng điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái.

Do vậy, để minh bạch thông tin “Người trồng rau hữu cơ phải có hồ sơ pháp lý, vùng sản xuất, giấy chứng nhận trồng hữu cơ, phân tích mẫu đất, nước, ghi chép. Người tiêu dùng nên chọn các doanh nghiệp uy tín, có giấy chứng nhận rõ ràng để không bị mua nhầm hàng kém chất lượng”, ông Hưng nói.

Giải thích nguyên nhân rau hữu cơ thường đắt hơn rau thường, ông Hưng cho biết: “Trồng rau hữu cơ chí phí cao hơn rau thường 20 – 30%, thậm chí một số loại rau có chi phí cao hơn 40 – 50%. Vì trồng rau hữu cơ phải phân tích mẫu đất, mẫu nước, ghi chép tỉ mỉ, xuất xứ rõ ràng và nhiều chi phí khác”, ông Hưng cho biết thêm.

H.V/Báo Tin Tức
Giảm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tăng sản xuất rau an toàn
Giảm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tăng sản xuất rau an toàn

Chiều 6/1, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc cùng UBND thành phố Hà Nội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN