Trước đây, hợp tác xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau chuyên trồng dưa hấu theo hướng VietGAP. Thế mạnh của xã Lý Văn Lâm là sản xuất nông nghiệp, nhưng tình hình sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, theo nông hộ.
Để đa dạng rau màu, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo thực hiện dự án trồng rau an toàn theo kiểu hợp tác xã. Qua đó, giúp cho nông dân xã Lý Văn Lâm tiếp cận với những phương pháp trồng rau sạch trong nhà lưới và hỗ trợ đầu ra cho nông dân.
Là vùng đất dễ bị xâm nhập mặn nên Cà Mau rất tích cực trong việc tìm hướng đi phù hợp cho canh tác hoa màu. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN |
Sau một năm sản xuất theo mô hình này, với diện tích 12 ha, trong đó có 22 hộ dân tham gia, cùng góp vốn, mô hình trồng rau sạnh trong nhà lưới đã bước đầu mang lại hiệu quả, đạt năng suất 15 tấn/ha, trong khi đó lượng thuốc trừ sâu và phân bón giảm 75%, chủ yếu một số loại rau ăn hàng ngày như: rau muống, cải xanh, rau dền...
Hiện nay, hợp tác xã Lý Văn Lâm đang tiếp tục triển khai dự án trồng rau an toàn theo hướng VietGAP trong nhà lưới, nhưng trong năm nay, các hộ dân góp vốn để đầu tư và thuê nhân công để sản xuất, nhằm mở rộng quy mô, nâng cao năng suất của rau màu. Quy trình được triển khai trong 300 m2 rau an toàn được trồng trong nhà lưới và 3 ha trồng các loại hoa màu như: dưa leo, cà chua, cải xanh, rau muống... với kinh phí trên 500.000.000 đồng.
Ông Mạc Ngọc Truyền, cán bộ Địa chính - Xây dựng - Nông nghiệp - Môi trường, là thành viên trong hợp tác xã Lý Văn Lâm cho biết về kỹ thuật: “Cải tạo đất, xới đất rồi rải vôi, bón phân vi sinh, phân NPK, bón xong khoảng 2 ngày thì xuống giống, rồi tới thu hoạch luôn, không xịt thuốc, chỉ tưới nước”.
Ông Mạc Ngọc Truyền còn cho biết thêm: “Với phương châm không bỏ đất trống, hợp tác xã Lý Văn Lâm tập trung trồng rau xoay vòng liên tục không theo thời vụ. Quan trọng nhất là khâu cải tạo đất, vì khi kết thúc một vụ rau màu, nông dân sẽ tiến hành cải tạo đất, thì mầm bệnh sẽ xuất hiện. Thông thường khi nấm xuất hiện thì tiến hành rải vôi hoặc sử dụng thuốc vi sinh chuyên dụng Trichoderma.
Bên cạnh đó, mô hình trồng rau an toàn được lắp đặt hệ thống tưới tự động (vòi sen), với bán kính phun sương trong vòng 2 m, giúp cho nông dân chủ động được nguồn nước tưới và cung cấp đầy đủ nguồn nước cho rau phát triển tốt”.
Ông Trần Văn Tấn ngụ ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, hiện là nhân công sản xuất mô hình rau an toàn, anh tâm sự: “Rau an toàn ở đây nói chung là không sử dụng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu. Tuy nhiên lượng rau sản xuất ra quá ít, không đủ đáp ứng cho bà con toàn xã nên đầu ra chưa được ổn định”.
Nhìn chung, mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, không chỉ mang lợi nhuận hơn rau trồng theo cách truyền thống mà nông dân có thể hạn chế được sâu bệnh, giảm chi phí về phân, thuốc, cải thiện môi trường sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mô hình sản xuất rau an toàn cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cho biết: “Hồi trước, dự án rau an toàn được triển khai 10 ha ở ấp Ông Muộn, không có nhà lưới nên không công nhận được, bây giờ chuyển lên mô hình nhà lưới để công nhận, đến thời điểm này, đã sản xuất qua một vụ nhưng chưa được công nhận, nên giá cả rau cũng như các loại rau khác, lên xuống bấp bênh. Nông dân mong muốn sớm có giấy chứng nhận để sản xuất rau an toàn”.
Bên cạnh đó, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Lý Văn Lâm vẫn còn gặp khó khăn, khi chưa có kinh nghiệm trong khâu dịch vụ, thiếu vốn đầu tư khép kín từ khâu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu thu mua, vận chuyển... Khả năng trước mắt, hợp tác xã chỉ bao tiêu thu mua rau an toàn.
Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau nhận định: “Mô hình sản xuất rau an toàn hiện nay vẫn là bài toán khó cho nhà nông và hợp tác xã. Tới đây, chi cục trồng trọt sẽ kêu gọi vốn đầu tư cho hợp tác xã, hỗ chợ cho hợp tác xã xây dựng mô hình để chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác rau; hỗ trợ cho hợp tác xã từ khâu chế biến đến khâu sơ chế rau nhằm đảm bảo đủ điều kiện chứng nhận rau an toàn; đồng thời xây dựng nhãn hiệu cho rau an toàn”.