Theo ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã lấy 92 mẫu (45 mẫu rau, trái cây tại chợ đầu mối Hòa Cường và 47 mẫu thủy sản tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang) gửi đi phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả từ 89/92 mẫu cho thấy, có 3/89 mẫu không đạt. Chi cục đã công bố các đơn vị vi phạm trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng để người dân được biết.
Hiện Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với các loại rau, củ, quả cho 4 cơ sở gồm: Siêu thị Co.opMart, cửa hàng Khoa Hưng Thịnh, Liên hiệp hợp tác xã Liên Thành và Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Đà Nẵng.
Chi cục đã thẩm định hồ sơ và lấy 12 mẫu rau củ để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại Công ty TNHH MTV Nông Bảo Ngọc. Ngay khi có kết quả kiểm tra mẫu, nếu đạt yêu cầu, Chi cục sẽ tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Ông Phạm Bá Hùng, Phó ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, từ đầu năm đến nay, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đã thực hiện 12.147 lượt kê khai nguồn gốc, xuất xứ cá loại thủy hải sản, với tổng sản lượng 39.149 tấn.
Trong tháng 1/2017, do mới triển khai thực hiện việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ các loại thủy, hải sản nên một số chủ tàu và xe không chịu kê khai, gây khó khăn cho công tác quản lý. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh; đồng thời phối hợp đồn biên phòng tại cảng nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không chịu kê khai. Đến nay, 100% các chủ tàu, xe ô tô thực hiện việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ các loại thủy, hải sản tại cảng.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm đến bà con thương nhân, ngư dân thông qua hệ thống phát thanh, tờ rơi, pa nô, treo băng rôn...; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng, dịch vụ của một số hoạt động như dịch vụ xe ba gác, chấn chỉnh việc để hải sản tiếp xúc trực tiếp với nền chợ.
Hiện UBND thành phố Đà Nẵng đang triển khai "Xây dựng hệ thống quản lý thông tin kiểm soát thực phẩm", với mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin nhằm thu thập, xử lý thông tin về thực phẩm không bao gói sẵn để giúp cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng có thể truy xuất, xác định nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Đà Nẵng sẽ triển khai hệ thống thông tin quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở ứng dụng công nghệ tam mã vạch 2 chiều (QR code) nhằm kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bao gói sẵn (rau, củ, thịt, cá..) thông qua điện thoại di động thông minh (smartphone). Đồng thời, thiết lập quy cách tem dán chuẩn về an toàn thực phẩm của thành phố để phân phối cho các đối tượng là nhà sản xuất, cung ứng, phân phối và người bán lẻ tại các chợ, cửa hàng thực phẩm...
Về lâu dài, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đề án “Quản lý an toàn thực phẩm theo quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng” trên địa bàn thành phố đến năm 2020, với mục tiêu chung là: Quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng được triển khai, hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả.
Giai đoạn từ năm 2017 - 2020, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai 6 dự án về an toàn thực phẩm, với tổng kinh phí 186 tỷ đồng. Các dự án bao gồm: nâng cao năng lực chất lượng an toàn thực phẩm; thông tin giáo dục truyền thông đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm…