Đà Nẵng sơ tán, đảm bảo an toàn cho hàng trăm hộ dân bị ngập lụt

Sáng 9/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng cho biết, để ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn diện rộng trên địa bàn Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã sơ tán, đảm bảo an toàn cho 731 người (203 hộ dân) trong các khu vực ngập lụt nặng tại huyện Hòa Vang.

Chú thích ảnh
Khu vực dân cư thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng bị ngập sâu trong nước và chia cắt với bên ngoài. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Theo báo cáo của cơ quan nói trên, đến đêm 8/10, tại huyện Hòa Vang có 8/11 xã có thôn bị ngập lũ, chủ yếu ở các vùng trũng thấp, ven sông. Đến 6 giờ sáng 9/10, nước lũ đã rút, cơ bản chỉ còn ngập tại một số điểm xã Hòa Tiến, các xã khác chỉ bị ứ đọng nước trên đồng ruộng. Trong các quận nội thành Đà Nẵng cũng xuất hiện ngập lụt cục bộ do mưa quá lớn, có nơi lên tới 20-30 cm, nhưng nước đã rút sau khi ngớt mưa.

Theo thống kê: có 42,4 ha hoa màu bị ngập úng; 9.000 cây hoa cúc bị hư hại, dập nát; 1 con bò bị nước cuốn trôi; 74 cây xanh đường phố bị ngã đổ; 3 ngôi nhà bị tốc mái; học sinh toàn thành phố được nghỉ học ngày 8 và 9/10; hiện chưa có thiệt hại về người...

Đến 10 giờ sáng 9/10, cơn mưa lớn đã tạm ngưng trên toàn thành phố. Hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia đang xuống chậm, các sông thuộc thành phố Đà Nẵng đang dao động ở mức trên Báo động 1. Mực nước lúc 4 giờ sáng ngày 9/10 trên sông Vu Gia là 7.34m (dưới Báo động 2 là 0.66m), trên sông Cẩm Lệ là 1.34m (trên Báo động 1 là 0.34m). Dự báo, trong 6 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia giảm chậm, lũ trên sông Cẩm Lệ xuống mức Báo động 1. Trong 12 giờ tới, lũ trên các sông sẽ xuống dưới mức Báo động 1.

Chú thích ảnh
Người dân thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng phải di chyển bằng thuyền để ra ngoài mua thực phẩm. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Trước đó, để phòng, tránh tác hại của đợt mưa lớn này, sáng 8/10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có Công điện số 03/CĐ-UBND về công tác phòng, chống mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất. Theo đó, UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất; sơ tán nhân dân, đảm bảo thực hiện nghiêm các nội dung biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp với các sở ngành tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm, không để người ở lại trên lồng bè; đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản. Đà Nẵng cấm nhân dân và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp và nước lũ; kiên quyết không cho người, phương tiện qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn...

Quốc Dũng (TTXVN)
Quảng Trị có nơi lượng mưa vượt 1.000mm, gần 13.800 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt
Quảng Trị có nơi lượng mưa vượt 1.000mm, gần 13.800 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, đến rạng sáng 9/10, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 500 - 700mm, một số nơi đã vượt 1.000mm như: Hướng Linh trên 1.172mm, Vĩnh Ô hơn 1.008mm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN