Túi Polimer dung tích 50 m3 trữ nước cho cộng đồng trong mùa khô tại ấp Giống Chuối, xã An Đức, huyện Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN |
Những khu vực cách biển 20 - 25 km vẫn nằm trong vùng rủi ro thiệt hại do hạn, mặn nên cần chủ động tích trữ nước sản xuất, đóng cống ngăn mặn trữ nước ngọt kịp thời, định kỳ thoát nước mặn và nguồn nước ô nhiễm trên kênh rạch… Đồng thời các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý vận hành hệ thống công trình phục vụ chống hạn và xâm nhập mặn.
Đến thời điểm này, vùng đồng bằng sông Cửu Long tuy chưa bị ảnh hưởng lớn bởi hạn và xâm nhập mặn. Song để đề phòng diễn biến khí tượng thủy văn dị thường, nhất là hiện tượng El Nino có thể quay trở lại vào nửa cuối năm, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương chủ động tích trữ nước sản xuất; đóng cống ngăn mặn trữ nước ngọt kịp thời; định kỳ thoát nước mặn và nguồn nước ô nhiễm trên kênh rạch…
Khoảng thời gian từ đầu tháng 3 cho đến cuối tháng 3 năm nay, độ mặn sẽ giảm mạnh trên các vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Từ cuối tháng 3 trở đi, mặn có khả năng lên lại và duy trì ở mức cao.
Dự báo đến cuối tháng 4, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long với ngưỡng 4 g/l vẫn có khả năng xảy ra, ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của người dân trong phạm vi cách biển 20 - 25 km. Trong tháng 5 nếu không có mưa, độ mặn trên các cửa sông vẫn còn cao và kéo dài sang tháng 6.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở cuối nguồn sông Mê Kông, có tổng diện tích khoảng 4 triệu ha. Phần lớn diện tích đất tự nhiên đều cao hơn mực nước biển khoảng 1m với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt nhưng lại thiếu công trình kiểm soát mực nước cũng như trữ nước.
Do đó, phần lớn lượng dòng chảy vào mùa khô (khoảng từ 40 tỉ đến 50 tỉ m3) đều đổ ra biển, trong khi lượng nước lấy được để phục vụ sản xuất và sinh hoạt chiếm tỉ lệ nhỏ. Dòng chảy về đây thường xuyên thiếu hụt nên xâm nhập mặn tăng cao và thiếu nước phục vụ sản xuất. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu và khai thác nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông gia tăng.