Tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4 năm 2024.
Theo ông Dương Thanh Bình, cử tri và Nhân dân quan tâm, theo dõi, đánh giá cao hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác đối nội và đối ngoại; các hoạt động Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể tại tỉnh Điện Biên.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hạn trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam đã kéo dài nhiều tuần qua, dự báo cháy rừng đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Tình trạng nắng nóng kéo dài này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức khỏe người dân.
Cùng với đó là tình trạng gió lốc và mưa đá, gây thiệt hại lớn về hoa màu và nhà cửa của người dân tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình.
Bên cạnh đó, các vụ ngộ độc thực phẩm, tai nạn lao động liên tục xảy ra ở một số địa phương. Giá điện sinh hoạt, một số mặt hàng phân bón, sắt thép xây dựng tăng thời gian gần đây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, xây dựng của người dân; trong khi giá các mặt hàng nông sản thì lại giảm, khó tiêu thụ, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.
Trưởng Ban dân nguyện kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác chỉ đạo về phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhất là phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng, Bộ Y tế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Đặc biệt, trong báo cáo, ông Dương Thanh Bình chỉ ra, cử tri và nhân dân lo lắng giá vàng liên tục biến động và tăng cao sẽ tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống người dân.
Ông Bình nhấn mạnh, Chính phủ cần có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; xử lý buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng thị trường bảo đảm cho thị trường vàng ổn định, minh bạch, lành mạnh.
Về vấn đề này, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đồng tình với báo cáo Ban Dân nguyện, đồng thời tham gia một số ý kiến. Về chính sách tiền tệ, quản lý thị trường vàng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, biến động giá vàng vô cùng phức tạp. Vì thế, Bộ Công an đã tập trung nắm tình hình, tham mưu Chính phủ nhiều vấn đề, trong đó tập trung kiến nghị các giải pháp liên quan an ninh tiền tệ, tập trung sửa đổi một số quy định tại Nghị định 24 về độc quyền vàng miếng SJC; tăng cường quy mô dự trữ vàng; quản lý khuôn sản xuất vàng miếng SJC tại Nhà máy in tiền quốc gia... để từng bước ổn định thị trường vàng.
“Chúng tôi tập trung kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước vào thị trường vàng, như các cơ chế can thiệp vào giá mua, giá bán, cơ chế can thiệp vào cung - cầu; kịp thời bổ sung quy định biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng; ban hành quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan việc quản lý thị trường vàng; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng”, ông Hùng cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành quy định pháp lý kiểm soát nghĩa vụ thuế về kinh doanh vàng, như quy định bắt buộc xuất hoá đơn điện tử, quy định về thuế giá trị gia tăng, mã số, mã vạch, nhằm ngăn chặn tình trạng mua vàng miếng, mua bán vàng trang sức không có hoá đơn, chứng từ, mua bán tự do, người dân trả tiền mặt trực tiếp, một số cơ sở kinh doanh vàng miếng chưa được cấp phép thường bán chui cho người dân, gây thất thu cho Nhà nước.
Bộ cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố quản lý, kiểm soát thị trường vàng, không để xảy ra các hoạt động kinh doanh vàng giả, vàng nhái SJC, qua đó ổn định thị trường, kịp thời phát hiện các hoạt động vi phạm để xử lý.