Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai ngày 16/9 cập nhật về tình hình tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 5.
Về tình hình tàu thuyền, tổng số tàu thuyền có chiều dài trên 6m của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là 61.702 tàu.
Theo quan sát trên Hệ thống giám sát tàu cá, tính đến 6 giờ ngày 16/9, có 761 tàu cá trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của bão số 5 trong 24 giờ tới. Các phương tiện trên hiện đang di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng hoặc đang tránh trú, neo đậu tại các đảo và ven bờ.
Về diện tích nuôi trồng thủy sản biển từ Thanh Hóa đến Quảng Nam là 34.273 ha. Trong đó có 38.174 lồng, bè.
Ở thời điểm hiện tại, Cục Trồng trọt cho biết, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu. Vụ lúa Mùa hiện còn 98.538 ha lúa chưa thu hoạch, trong đó phần lớn là các diện tích lúa ở Thanh Hóa (70.000 ha), Nghệ An (26.000 ha).
Thông tin về tình hình hồ chứa và đê điều ở khu vực Bắc Trung Bộ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai cho biết, các hồ thủy điện từ Thanh Hóa đến Quảng Nam (37 hồ) đang vận hành bình thường, mực nước ở mức thấp, nhiều hồ xấp xỉ mực nước chết và không xả tràn.
Riêng với hồ chứa thủy lợi, hiện có một số hồ đang ở mức cao. Trong đó, đạt 100% dung tích thiết kế như hồ Duồng Cốc (Thanh Hóa); các hồ Cầu Cau đạt 96%, đạt Khe Là đạt 98%, đạt Vũng Sú 101% (Nghệ An); riêng hồ Tả trạch đang xả 39.5 m3/s.
Đê biển khu vực từ Thanh Hóa - Đà Nẵng có 99 vị trí xung yếu cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 11/CĐ-TW ngày 16/9 chỉ đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận chủ động ứng phó với bão và mưa lũ sau bão.
Theo đó, các địa phương cần chủ động theo dõi, khẩn trương kiểm soát đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đang hoạt động trên khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão.
Các địa phương cũng cần sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Với các khu vực nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, các địa phương cũng cần sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Đêm 15/9, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão số 5. Hồi 5 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 118,2 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.
Dự báo, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm với sức gió cấp 9, giật cấp 11. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Phía Bắc vĩ tuyến 11,0 độ; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ.
Trong 24 - 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-25km và có khả năng mạnh thêm.