Sinh năm 1945, tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, bà Trần Thị Hồng là thương binh hạng 1/4, tỉ lệ thương tật 92% loại A (có vết thương đặc biệt).
Năm 1965, cô gái Trần Thị Hồng mang chí lớn vào chiến trường Trường Sơn, trở thành cô thanh niên xung phong của tuyến đường ác liệt này.
Thương binh Trần Thị Hồng bị chiến tranh cướp mất đôi tay nhưng sự lạc quan và vui vẻ vẫn luôn hiện hữu trên môi người chiến sĩ. |
Bà Hồng bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó, thanh niên ai cũng khí thế hừng hực, quyết tâm đánh cho giặc lui, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Máy bay lùng sục trên đầu ngày đêm, nhưng chết thì chết sống thì sống, ai cũng sợ, nhưng ai cũng nghĩ về cái sợ thì ai làm”.
Tiểu đội của Trần Thị Hồng có hơn chục chiến sĩ, tuổi đời còn rất trẻ, chỉ cỡ 18, 20 tuổi. Trong rừng, cuộc sống vô cùng gian khó. Bà Hồng kể: “Con gái chúng tôi hồi ấy, da ai cũng vàng như nghệ. Ăn uống kham khổ, phải chia nhau từng miếng calathầu đen thui, cuộc sống ngày chiến tranh là thế. Không chỉ chống chọi với bom đan, mũi súng của địch, những cơn sốt rét rừng khiến những người lính vàng bủng, gầy tong teo, các chị em thì tóc rụng trọc cả đầu. Dù gian khổ như vậy, nhưng bom Mỹ còn thả bom thì cả tiểu đổi còn cuốc xẻng không ngừng nghỉ, quyết tâm phải bảo vệ tuyến đường huyết mạch”.
Đôi mắt nhăn nheo, cúi xuống vai áo để lau đi hàng nước mắt, bà Hồng kể về cái ngày bị chiến tranh cướp mất đôi tay, đang lúc tuổi xuân còn phơi phới: “Tôi bị thương năm 1968, đợt đó Mỹ thả bom dữ dội, tôi đang cùng các chị em làm nhiệm vụ, bị trúng B52. Tỉnh dậy tôi thấy mình ở bệnh viện 14 thuộc Binh trạm 12 trong rừng Trường Sơn, đôi tay mình không còn. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ về cuộc sống sau này và những ước mơ còn dang dở. Vì tôi còn muốn chiến đấu, còn muốn cống hiến cho tổ quốc”.
Khi biết tin bà Hồng bị thương, ông Uyên tự nhủ sẽ là đôi tay của người thương đến hết cuộc đời. |
Chồng bà Hồng, ông Hoàng Văn Uyên, cũng là một thương binh, tiếp lời: “Khi Hồng bị thương, chúng tôi đã yêu nhau được ba năm, biết tin Hồng bị thương tôi rất đau lòng và tự nhủ mình sẽ là đôi tay của cô ấy hết cuộc đời”.
Bà Hồng xúc động tâm sự: “Lúc ấy, ông Uyên đang ở chiến trường B, tôi không muốn báo tin, chỉ mong người ta quên mình đi. Thế nhưng ông ấy vẫn lặn lội đến tận đoàn an dưỡng tìm thế đấy!”.
Chiến tranh đang thời khốc liệt, chưa biết ngày nào đất nước hòa bình, nhưng bà Hồng, ông Uyên đã quyết định “nên duyên” với nhau giữa chiến trường lửa đạn. Năm 1970, bà Hồng được đưa tới khu điều dưỡng thương binh tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông Uyên dính bom gần, chịu sức ép, bị nặng tai nên xin ra quân và chuyển công tác về khu điều dưỡng để tiện chăm sóc vợ, sinh con. Giờ cả hai con trai của ông bà đã trưởng thành. Con lớn tốt nghiệp Thạc sĩ Toán- Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là giáo viên Toán của một trường chuyên Năng khiếu tỉnh Bắc Ninh. Con thứ hai tốt nghiệp ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, là Thạc sĩ kinh tế, hiện đang công tác tại Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bắc Ninh.
Tấm ảnh đại gia đình ông bà Uyên - Hồng. |
Đã mấy chục năm nay, hai vợ chồng thương binh gắn bó với nhau trong mái nhà của Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Hằng ngày, ông Uyên vẫn nấu cơm, làm việc nhà, tự tay chải tóc, bón cơm cho vợ. Mất mát, đau thương là vậy, nhưng tinh thần người lính vẫn bền bỉ sống trong họ, sự lạc quan, tích cực vẫn còn đó. Thời gian bao cấp, gia đình bà Hồng gặp muôn vàn khó khăn do thương tật cụt 2 tay, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp của Nhà nước và tiền lương ít ỏi của chồng, các con thì đang tuổi ăn học… để có thêm thu nhập bà luôn cố gắng ra chợ buôn chè, chăn nuôi lợn, gà.
Bà Hồng tâm sự: “Ngày ấy vất vả lắm, sau khi ra khỏi cuộc chiến, về với đời sống thường, hai vợ chồng thương binh chúng tôi chật vật để nuôi được hai đứa con trưởng thành, tuy mất hai tay, nhiều khi đau yếu nhưng tôi vẫn đi chợ buôn chè để có tiền cho hai con ăn học”
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, biết bao người con ưu tú đất Việt đã vùi mình dưới lòng đất sâu, không thể trở về. “Tuy mất 2 tay, nhưng tôi còn là người may mắn. Nhiều người bạn của tôi đã ra đi mãi mãi…”, ánh mắt người nữ thương binh trầm tư, rơi vào vô định. Chiến tranh khốc liệt, để lại những mất mát và tàn dư đau đớn không gì có thể bù đắp. Vậy mà tình yêu của họ trải qua cùng những thăng trầm của đất nước, can qua biết bao vất vả của cuộc sống thường nhật, bà Hồng vẫn có một người chồng trọn tình, vẹn nghĩa luôn bên cạnh, những đứa con giờ đây đã trưởng thành, đó là niềm an ủi đối với người nữ thương binh quả cảm.