Chưa tìm được tiếng nói chung tại buổi đối thoại Hãng phim truyện Việt Nam

Chiều 19/9, tại Hãng phim truyện Việt Nam (Thụy Khuê, Hà Nội) đã diễn ra cuộc chất vấn căng thẳng giữa các nghệ sĩ, cán bộ nhân viên của hãng phim và ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso, người đã mua hãng phim truyện Việt Nam.

Không khí căng thẳng ngay từ đầu, khi ông Nguyễn Danh Thắng (áo đen, cầm mic) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam yêu cầu viết những thắc mắc, tâm tư nguyện vọng ra giấy để ông Nguyễn Thủy Nguyên giải đáp.

"Nóng" vấn đề lương, công việc

Sau 3 tháng chuyển sang cổ phần hóa, nghệ sĩ của hãng phim đã lên tiếng "kêu cứu" vì
tình trạng không có việc, nợ lương, cùng những thay đổi liên tiếp trong tổ chức, thay đổi phòng ban; hay việc vứt bỏ đạo cụ, phục trang, kịch bản cũ, cho thuê đất để kinh doanh...

Theo các nghệ sĩ, cam kết trước khi cổ phần hóa là mức lương bình quân 4,8 triệu đồng/tháng/người. Tuy nhiên, trong tháng 8, có người chỉ được trả 1 triệu đồng, có người ít hơn hoặc không có lương.

Diễn viên Quốc Tuấn cho biết: "Tôi chỉ được 540.000 đồng tiền lương, tôi không nhận vì cảm thấy không đáng. Ông Nguyễn Danh Thắng bảo đó là lương chờ việc".

Ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso trả lời chất vấn.

Về việc chậm lương, lương thấp, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso cho biết: "Tháng 7, tôi vẫn trả các cán bộ của hãng phim như trước khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, có những người 3 năm nay không làm việc gì, mà vẫn nhận 100% lương và có bảo hiểm. Khi đã cổ phần hóa, mức lương phải được chia công bằng. Bên cạnh đó, tháng 8, chúng tôi phải quyết toán thuế và xây dựng lại cơ chế trả lương mới, trong khi chưa làm xong cơ chế trả lương mới, chúng tôi trả mức lương tạm ứng".

Nghệ sĩ Quốc Tuấn bức xúc đặt câu hỏi chất vất: "Nói chúng tôi không làm việc, nhưng tính như thế nào là làm việc? Chúng tôi là nghệ sĩ, chúng tôi làm việc đêm hôm để cho ra những kịch bản, nhưng kịch bản không được dùng, chúng tôi không có phim làm, vậy có được tính là làm việc hay không?".

Nghệ sĩ Quốc Tuấn bức xúc đặt câu hỏi.

Theo các nghệ sĩ, ban lãnh đạo mới yêu cầu các nhân viên làm việc theo giờ hành chính mới trả lương, như vậy là không hiểu đặc thù của ngành điện ảnh nói riêng và làm nghệ thuật nói chung.

Diễn viên Quốc Tuấn cho rằng: "Cách trả lời của lãnh đạo công ty là không hiểu đặc thù của ngành làm phim bởi biên kịch, diễn viên phải ra ngoài tìm chất liệu, thâm nhập thực tế, chứ không thể đi làm như người văn phòng".

Dẹp phòng ban, cho thuê đất để kinh doanh

Theo phản ánh của các nghệ sĩ, sau khi cổ phần hóa, ban lãnh đạo mới gây nhiều xáo trộn về cơ sở vật chất. Bốn phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim và thiết kế mỹ thuật được dồn vào một phòng. Tủ kịch bản với nhiều tư liệu quý được chuyển sang Viện phim Việt Nam. Các kho đạo cụ, phục trang bị chuyển đến các kho của công ty vận tải cách đó gần 40 km.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thủy Nguyên cho rằng: "Cả xưởng phim, phòng nào cũng ẩm mốc, rác bẩn... Chúng tôi mới tiếp quản công việc trong khoảng 3 tháng nên cần thời gian để sửa sang, dọn dẹp nơi đây để cho khang trang hơn".

Riêng về việc các phòng khác được cho thuê để kinh doanh, mở cửa hàng ăn uống để kiếm thêm tiền, ông Nguyễn Thủy Nguyên phủ nhận, không có sự việc đó.

Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. VFS gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Hãng phim từng có những tác phẩm gây tiếng vang lớn như: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội", "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Đời cát"... Tuy nhiên, hãng phim liên tục bị thua lỗ.

Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phần hóa. Đến tháng 6/2017, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại Hãng phim với giá 32,5 tỷ đồng, chiếm 65% cổ phần hãng phim. Hiện tại, VFS mang tên mới là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn bức xúc trong buổi chất vấn:




Kiều Hà/Báo Tin Tức
Sớm làm rõ quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam
Sớm làm rõ quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam

Mấy ngày gần đây, câu chuyện các nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam) “kêu cứu“ nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và những người yêu điện ảnh Việt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN