Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm trên 40.000 người tử vong, trên 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Ngoài ra, từ sau khi chiến tranh kết thúc đến nay, cả nước có trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ công binh hy sinh và bị thương khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân… Để đạt mục tiêu trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, việc tuyên truyền phòng tránh hậu quả do bom mìn, vật liệu nổ gây ra là yếu tố đặc biệt quan trọng, để mỗi người dân tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân mình trước nguy cơ.
Nguy hiểm còn rình rập
Đến nay, nhiều người dân ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa thể quên được ký ức “kinh hoàng” về ngày xảy ra vụ nổ năm 2016. Nguyên nhân của vụ nổ đã được cơ quan chức năng xác định do vật liệu nổ quân dụng gây ra. Theo đó, anh Cường - một người dân làm nghề thu gom phế liệu thuê nhà trọ ở khu vực này, sau đó đem phế liệu về nơi trọ cất giữ.
Chiều 19/3/2016, anh Cường nhờ người hàng xóm lăn khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ (đường kính khoảng 40 - 45 cm, dài khoảng 80 cm, khối lượng ước khoảng trên 100 kg) từ trong nhà ra vỉa hè để phá bán sắt vụn. Quá trình Cường cắt phá khối kim loại này bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Vụ nổ làm 5 người thiệt mạng, trong đó có 4 người tử vong tại chỗ; 10 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng. Thiệt hại trực tiếp thống kê được là 36 căn hộ bị sụt nứt, hư hỏng, 6 xe môtô bị cháy; một ôtô bị hư hỏng... Vụ nổ đã tạo ra một hố sâu có diện tích khoảng 4 m2, sâu khoảng 1 m.
Năm 2017, một vụ nổ khác tại thôn Tà Lương (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 6 người chết và một người bị thương nặng. Nguyên nhân vụ việc được cơ quan chức năng xác minh do cưa đầu đạn pháo mà người dân nhặt được khi đi làm rẫy.
Sau khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, thu hồi vật liệu nổ, nhất là những vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Mặt khác, các cơ quan trên phải tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân khi phát hiện vật liệu nổ cần báo ngay cơ quan chức năng thu hồi, xử lý.
Theo thống kê của Tổng Cục Cảnh sát, tính từ năm 2012 đến nay, số vụ tai nạn liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tuy đã giảm đáng kể, nhưng vẫn có những vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vụ nổ lớn “kho” phế liệu ở Bắc Ninh ngày 3/1/2018 là một trong số đó. Vụ nổ xảy ra vào rạng sáng 3/1, tại một kho phế liệu ở thôn Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong). Khi nổ, các đầu kim loại bắn ra xung quanh khu vực làm hai trẻ em tử vong và 8 người bị thương, 4 ngôi nhà bị sập, nhiều ngôi nhà khác bị hư hỏng do các mảnh kim loại văng.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Tiến, chủ kho phế liệu khai nhận, từ tháng 1/2017 có mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 từ một cán bộ thuộc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh) để tháo dỡ phế liệu. Số đầu đạn trên được tập kết tại khu vực sân vườn nhà ông Nguyễn Văn Tạo ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong.
Liên quan đến vụ nổ, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tiến cùng vợ là Nguyễn Thị Cảnh về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Sáu bị cáo là các quân nhân thuộc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh) và Trung tâm hành động bom mìn quốc gia, bị khởi tố về tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng”, quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015.
Năm 2012, tại xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), ba học sinh rủ nhau lên vùng đồi thôn Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh tìm sắt vụn. Tại đây ba em đã phát hiện quả bom bi và cả ba rủ nhau cưa để lấy sắt mang bán. Trong khi đang cưa, bom phát nổ khiến một em thiệt mạng, hai em còn lại bị thương nặng. Năm 2014, tại xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) xảy ra một vụ nổ lớn do cưa bom khiến hai người đang cưa tử vong.
Tại Hòa Bình, năm 2015, vụ nổ đạn pháo 105 mm ở xóm Tân Lập 1, xã Trung Minh (thành phố Hòa Bình) làm hai người thương vong. Nguyên nhân là các nạn nhân trục vớt được đầu đạn pháo 105 mm ở sông Đà, nhưng không thông báo với cơ quan chức năng mà tiến hành cưa lấy thuốc nổ và sắt vụn, khiến đầu đạn phát nổ. Tại Phú Yên, năm 2016, ở khu vực Thác Cỏ ven sông Ba thuộc buôn Mả Vôi (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh), ba thanh thiếu niên rủ nhau cưa quả bom để lấy sắt bán phế liệu, làm bom phát nổ, khiến ba người tử vong, trong đó hai người tử vong tại chỗ.
Đó chỉ là những vụ việc điển hình trong rất nhiều tai nạn thương tâm do bom mìn, vật liệu nổ gây ra, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa có ý thức và chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để phòng tránh hậu quả. Trong nhiều vụ việc, nạn nhân thiệt mạng lại là những người không liên quan đến hành vi tàng trữ hoặc xử lý vật liệu nổ.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 30% số vụ nổ do người dân tự ý thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, tháo gỡ bom đạn. Các loại bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh do người dân phát hiện, thu lượm nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát nổ, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản người dân.
Nâng cao ý thức để phòng tránh tai nạn bom mìn
Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Mỹ và chống Pháp, hiện nay còn nhiều bom, đạn, vật liệu nổ còn tồn sót ở nước ta, rải rác tại hầu khắp các địa phương trên cả nước, trong đó tập trung nhiều ở một số tỉnh miền Trung. Trong quá trình sinh sống, làm việc, không ít trường hợp người dân tìm được những quả bom hay chất nổ nhưng lại không xử lý đúng cách, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Các cơ sở thu mua phế liệu - khu vực tập trung những phế phẩm kim loại càng là nơi dễ xảy ra rủi ro. Đa số các điểm thu mua phế liệu hiện nay không hoàn toàn tuân thủ các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ, thậm chí vì lợi nhuận mà cố tình “làm lơ”, gây ra những vụ việc kinh hoàng.
Theo một số chuyên gia về vật liệu nổ, hầu như số bom, đạn, vật liệu nổ còn tồn sót sau chiến tranh đều đã được kích hoạt các cơ chế hoạt động gây nổ, song vì một lý do cơ chế kích nổ gặp trục trặc chưa gây nổ. Mặc dù đã trải qua một thời gian dài vùi sâu dưới lòng đất, cát nhưng chúng vẫn cực kỳ nguy hiểm và có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Do đó, người dân cần đặc biệt lưu tâm, cảnh giác, không được lấy, nhặt, cưa, phá bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ và sắt vụn. Chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Với mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, Việt Nam đã nỗ lực nâng cao năng lực, đồng thời huy động nhiều nguồn lực tăng tốc độ rà phá bom mìn, để sau vài chục năm tiếp theo có thể giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đây là nhiệm vụ của Chính phủ cũng như trăn trở của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504). Ngày 24/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 701 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp với Thủ tướng Chính phủ, giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh; các giải pháp huy động, vận động tài trợ, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
Thời gian tới, Việt Nam hướng đến hoàn thành cơ bản kế hoạch Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025; đồng thời xây dựng hoàn chỉnh các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định về quản lý, thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ cụ thể theo phân công, tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia rà phá, xử lý bom mìn; tập trung mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng; củng cố, thực hiện hợp tác có hiệu quả, thiết thực với các đối tác, thúc đẩy các bên thực hiện Bản ghi nhớ đã ký kết.