Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm và chịu hậu quả của bom mìn còn sót lại nặng nề nhất trên thế giới. Theo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam khoảng 800.000 tấn; tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,71% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Những năm qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong các hoạt động như: Phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm; lao động, sản xuất, kinh doanh; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội…
Đến nay, cả nước có 1.012.923 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom mìn) được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước đã hoàn thành việc xác định, phân loại, xếp hạng, cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, khuyết tật nhẹ; gần 1,5 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật; mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành, phát triển trên phạm vi cả nước với 418 cơ sở trợ giúp xã hội.
Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước. Theo khảo sát của Bộ Quốc phòng năm 2017, diện tích đất còn ô nhiễm bởi bom mìn và vật liệu nổ chiếm gần 82% tổng diện tích toàn tỉnh. Từ năm 1975 đến nay, Quảng Trị có gần 8.540 nạn nhân bom mìn. Để khắc phục hậu quả bom mìn từ năm 1996, Quảng Trị đã tiếp nhận các hoạt động quốc tế đến khắc phục hậu quả bom mìn nhân đạo, qua đó đã rà phá được 9.174 ha đất, phá hủy trên 538.000 bom mìn và vật liệu nổ các loại.
Ngoài ra đã có trên 161.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở được tiếp cận hoạt động giáo dục phòng tránh bom mìn. Nhờ vậy, các vụ tai nạn do bom mìn trên địa bàn đã giảm, từ trung bình 70 nạn nhân mỗi năm ở giai đoạn 2001-2005 còn 2 vụ trong năm 2017, đặc biệt năm 2018 không còn nạn nhân bom mìn. Quảng Trị đang hướng đến mục tiêu năm 2025 là tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn” không chịu tác động của bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.
Tại Lễ mít tinh, Ban tổ chức đã trao tặng 30 phần quà hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, tổ chức đạp xe diễu hành theo lộ trình từ Nhà Văn hóa trung tâm đến Trung tâm Phục vụ đối ngoại tỉnh Quảng Trị.
Trước đó, trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4 tại tỉnh Quảng Trị cũng đã diễn ra nhiều chương trình phong phú như: Tuyên truyền về khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh tại trường học ở thành phố Đông Hà, các huyện Cam Lộ, Triệu Phong...; khai mạc Triển lãm hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn; tổ chức thao diễn các quy trình rà phá bom mìn, vật liệu nổ…