Video ghi nhận tình trạng chiếm dụng các địa điểm công cộng đỗ xe sai quy định:
Qua tìm hiểu của phóng viên, khu vực nội thành của Hà Nội, hệ thống công viên, vườn hoa, địa điểm công cộng hiện chỉ chiếm khoảng 1,92% tổng diện tích đất. Con số đã nhỏ vậy, nhưng rất nhiều địa điểm này còn bị chiếm dụng để dụng cho mục đích khác.
Dạo quanh địa điểm công cộng tại các quận nội đô như: Dọc đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai), vườn hoa Ngọc Lâm (quận Long Biên), đường quanh Hồ Tây (quận Tây Hồ), đường Bưởi, phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình)... có thể thấy tình trạng ô tô các loại dừng đỗ xe vô tội vạ ngày đêm, ngang nhiên sử dụng đất công làm điểm đỗ xe riêng, không chỉ gây mất trật tự đô thị, mà còn lấn chiếm hết phần đường dành cho người đi bộ, gây bức xúc dư luận.
Nhiều năm nay đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cấp chính quyền từ quận tới cơ sở tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm này. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc ra quân rầm rộ, thì "đâu lại vào đấy".
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản 2834/UBND-ĐT yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp hiện trạng sử dụng các công viên, vườn hoa; qua đó, đánh giá, xác định các trường hợp lấn chiếm, chiếm dụng công viên, vườn hoa, chuyển công năng sử dụng để kinh doanh không đúng quy định; có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm, khắc phục, hoàn trả, sử dụng đúng mục đích.
Trao đổi vấn đề này, nhiều người dân sinh sống gần các địa điểm công cộng này đều tỏ ra bức xúc, trong khi các địa điểm vui chơi giải trí, vỉa hè dành cho người đi bộ vẫn nơi thiếu, nơi chưa được đầu tư tương xứng, thì tình trạng chiếm dụng sử dụng làm các điểm đỗ xe sai quy định vẫn ngang nhiên diễn ra, mà không được xử lý đến nơi đến chốn.
Trong định hướng quy hoạch phát triển diện tích các điểm vui chơi giải trí công cộng của thành phố đặt mục tiêu xây dựng các công viên đô thị đạt diện tích trung bình 3,92 m2/người, vườn hoa ở cấp đơn vị đạt 1 m2/người. Tuy nhiên, thực tế, để đạt được mục tiêu này đang cần đến nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan liên quan.
Câu chuyện chiếm dụng các địa điểm công cộng nêu trên không mới tại Thủ đô, vì đã và đang tồn tại lâu nay ở nhiều quận nội đô, song chưa được giải quyết dứt điểm. Mặc dù các địa phương đã có những cố gắng xử lý vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, gia tăng sau những dịp lễ, Tết. Thực tiễn này đòi hỏi phải có chế tài đủ mạnh để xử lý hiệu quả hơn.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định. Hành vi dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng xe, đỗ xe; dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”... sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Hành vi không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”... bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng...
Tuy nhiên, các mức phạt này trong thực tế vẫn chưa đủ sức răn đe với vi phạm đang diễn ra tràn lan, ngang nhiên hiện nay. Các cơ quan chức năng, lực lượng liên quan cần có những biện pháp mạnh tay hơn, kiên quyết xử lý vi phạm, mới có thể trả lại mỹ quan đô thị cho đường phố.
Lợi ích lớn nhất mà các không gian công cộng mang lại cho người dân là có nơi để tập thể dục, thể thao, hưởng không khí trong lành và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Do đó, điều cần thiết là phải trả lại các không gian này về đúng công năng, mục đích sử dụng. Các cơ quan chức năng của thành phố ngoài việc cần tăng cường xử lý, gắn trách nhiệm với chính quyền các phường sở tại để vi phạm phải được xử lý dứt điểm, tránh tình trạng thiếu hiệu quả như hiện nay.