Chia sẻ dữ liệu giấy phép lái xe - Bài 1: Thiếu thống nhất, giảm hiệu lực quản lý

Ngay sau khi Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương vào trung tuần tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quý IV/2019 khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở nâng cấp Trục liên thông văn bản này.

Một trong những dịch vụ công được thí điểm thực hiện đầu tiên trên nền tảng đó là thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe. Dịch vụ này được thí điểm đầu tiên xuất phát từ những tranh luận không dứt lâu nay giữa ngành Công an và Giao thông Vận tải, mà đỉnh điểm là việc Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát ngôn “mất bằng lái xe phải thi lại” làm xôn xao dư luận. 

Ở tù vẫn được đổi giấy phép lái xe

Nhìn lại những cuộc họp của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có thể thấy không ít lần tranh luận nổ ra, rồi đâu vẫn đóng đó, khi ngành Giao thông cho rằng ngành Công an không chia sẻ dữ liệu về các trường hợp tước giấy phép lái xe. Ngành Công an lại nêu lý do vì ngành Giao thông không kết nối, chia sẻ dữ liệu giấy phép lái xe. Lời giải cho bài toán này bế tắc đã nhiều năm, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Kết quả là hàng trăm nghìn giấy phép lái xe tạm giữ, bị tước quyền sử dụng, tồn đọng tại cơ quan Cảnh sát Giao thông mà người vi phạm không đến xử lý, không đến nhận. Không ít trường hợp trong số đó, cơ quan Cảnh sát Giao thông phát hiện đã được cấp lại giấy phép lái xe khác, thậm chí có người sở hữu tới 2-3 giấy phép lái xe. 

Từ năm 1995 trở về trước, việc tổ chức sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe do ngành Công an thực hiện khá chặt chẽ, nên ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức của người lái xe khá tốt, tình trạng vi phạm và số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do ý thức, trình độ lái xe không lớn. Công tác quản lý nhà nước về giấy phép lái xe cũng đồng bộ hơn, giám sát chặt chẽ lịch sử những lái xe vi phạm. 

Tuy nhiên, khi việc đào tạo, sát hạch lái xe, cấp, quản lý giấy phép lái xe được giao cho ngành Giao thông Vận tải đã phát sinh không ít hệ lụy. Việc đào tạo, sát hạch dễ dãi dẫn đến tình trạng lái xe có tiền sử tâm thần, đang bị truy nã, thậm chí đang thi hành án nhưng vẫn được cấp, đổi giấy phép lái xe. Đó là vụ việc của lái xe Phạm Ngọc Lâm, sinh năm 1970, trú ở Khánh Hòa. Lái xe Lâm là người gây ra vụ tai nạn thảm khốc làm 34 người chết, 22 người bị thương ngày 7/5/2012, khi ô tô khách biển kiểm soát 47V-2371 do lái xe này điều khiển đang lưu thông hướng Đắk Lắk – Đắk Nông đã lao xuống sông Serepok. Điều kỳ lạ là lái xe này nghiện ma túy, đã từng lĩnh 8 năm tù vì án ma túy, nhưng trong quá trình thụ án, anh ta vẫn được đổi giấy phép lái xe. Đến khi mãn hạn tù, Lâm lại được đổi giấy phép lần 2.

Chú thích ảnh
Hiện trường nơi đối tượng Huỳnh Văn Chủng lái xe ô tô tông xe công vụ CSGT trên QL51, tỉnh BR-VT. Ảnh: dantri.com.vn

 Gần đây nhất, một vụ việc đã gây rúng động dư luận khi một kẻ có tiền sử bệnh tâm thần điều khiển phương tiện gây tai nạn làm một Cảnh sát Giao thông hy sinh. Khoảng 8 giờ ngày 17/4, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại Km46+400 quốc lộ 51, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện xe ô tô bán tải màu đen, nhãn hiệu Ford Ranger, biển số 51C-952.29, vi phạm tốc độ (83/60km/h). Khi bị tổ tuần tra ra hiệu lệnh dừng xe, lái xe không chấp hành mà vẫn điều khiển xe lưu thông, vượt đèn đỏ. Ngay sau đó, tổ tuần tra nhận được thông tin chiếc xe này gây tai nạn cho nhiều xe ô tô và mô tô tại khu vực xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Lái xe dùng hung khí tấn công người dân xung quanh và tiếp tục điều khiển xe về hướng Vũng Tàu.

Cán bộ, chiến sỹ Tổ tuần tra đuổi theo xe vi phạm, đã bị lái xe này ép xe, gây tai nạn làm Đại úy Chu Quang Sáng bị thương nặng, không qua khỏi, Hạ sỹ Lê Văn Toàn bị thương. Tài xế được xác định là Huỳnh Văn Chủng, trú tại 36/9 đường 12, tổ 2, khu phố 5, phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Hồ sơ do gia đình Chủng cung cấp cho thấy, Chủng chữa bệnh thần kinh dạng hưng cảm tại Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh và Biên Hòa (Đồng Nai) từ năm 2005 đến nay.

Trường hợp một người có đến 2-3 giấy phép lái xe cùng tồn tại song song cũng không phải là hiếm. Nhiều trường hợp thấy việc cấp lại giấy phép lái xe dễ dàng, ít tốn kém hơn là phải nộp phạt cho hành vi vi phạm của mình, nên đã “lách” bằng cách không nộp phạt mà làm thủ tục xin cấp lại. Chẳng hạn như ông Đặng Ngọc Doanh (Thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng giấy phép lái xe hạng C do Sở Giao thông Vận tải thành phố cấp. Ngày 29/7/2016, ông điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ. Cảnh sát Giao thông lập biên bản xử lý vi phạm, nhưng ông không nộp phạt. Lực lượng chức năng sau đó đã phát hiện ông Doanh được Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cấp lại giấy phép lái xe. 

Hay như ông Đặng Hữu Bình ở Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam, sử dụng cùng lúc hai giấy phép lái xe do Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng cấp. Sau khi bị Công an Thừa Thiên - Huế tạm giữ giấy phép lái xe hạng B2 do vi phạm Luật Giao thông đường bộ, ông đã đến một cơ sở đào tạo tại Đà Nẵng học lấy giấy phép lái xe hạng C và được Sở Giao thông Vận tải cấp giấy phép lái xe.

Công tác quản lý, đào tạo lái xe không đáp ứng được yêu cầu, chạy theo giá trị thiếu chuẩn mực, như cạnh tranh giá học phí, theo dõi thời gian học lỏng lẻo, nhiều người không muốn học nhưng lại muốn có giấy phép... Nội dung quan trọng trong bài thi cấp giấy phép lái xe, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông là kỹ năng đi trên đường, việc sát hạch đường trường lại rất ít bị trượt, rất cảm tính, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết.

Tồn đọng gần 160.000 giấy phép lái xe 

Những ví dụ trên cho thấy, sự lỏng lẻo trong công tác cấp và cấp lại giấy phép lái xe kéo theo những hệ lụy không nhỏ. Sự phối hợp thiếu chặt chẽ trong việc chia sẻ dữ liệu giữa ngành Công an và Giao thông Vận tải là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước phát ngôn của người đứng đầu ngành Giao thông vận tải về việc “mất bằng lái xe phải thi lại” và mặc dù đã có quy định liên thông giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an về cung cấp các trường hợp tước giấy phép lái xe, nhưng Công an không chia sẻ nên gây khó khăn cho công tác quản lý, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) đã “nói lại cho rõ” rằng, Cảnh sát Giao thông các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, người có thẩm quyền ra quyết định phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan, người đã cấp chứng chỉ hành nghề đó). 

Số liệu được Cục Cảnh sát Giao thông dẫn ra là trong năm 2015 và 2016, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã gửi 211.149 thông báo các trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông Vận tải địa phương. Từ năm 2017 đến nay, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã gửi 749.091 trường hợp bị tước giấy phép lái xe tới cơ quan các cấp (năm 2017 gửi 350.927 trường hợp, năm 2018 gửi 346.486 trường hợp, 2 tháng đầu năm 2019 gửi 51.678 trường hợp).

Hiện vẫn còn một lượng lớn giấy phép lái xe tồn đọng tại các cơ quan Cảnh sát Giao thông. Thống kê trong hai năm 2015, 2016 cho thấy còn 159.515 giấy phép lái xe bị tạm giữ, bị tước quyền sử dụng mà người vi phạm không đến xử lý, không đến nhận. Trong đó, 122.137 giấy phép lái xe bị tạm giữ để đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính nhưng quá thời hạn mà người vi phạm không đến xử lý, 37.378 trường hợp đã hết thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe nhưng người vi phạm cũng không đến nhận lại.

Vấn đề đặt ra giờ đây không phải là tranh luận giữa hai ngành mà là đi đến một giải pháp căn cơ hơn trong việc chia sẻ dữ liệu trong công tác cấp giấy phép lái xe, phục vụ công tác quản lý lái xe và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

 Bài 2: Việc không thể chậm trễ 

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Thành lập Tổ quản lý giấy phép lái xe để chia sẻ dữ liệu quản lý
Thành lập Tổ quản lý giấy phép lái xe để chia sẻ dữ liệu quản lý

Chiều 27/3, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục vừa quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng và thực hiện giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý giấy phép lái xe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN