Chỉ dẫn địa lý- "thảm đỏ" cho nông sản ra nước ngoài

Không còn là nhập khẩu tiểu ngạch,sau khi được Chính phủ cấp phép, hàng loạt những nông sản nổi tiếng của các quốc gia châu Á đã lần lượt xâm nhập thị trường Việt Nam theo con đường chính ngạch. Trong khi đó, dù được đánh giá là đất nước có tiềm năng lớn về nông sản, nhưng nông sản Việt Nam lại chưa tìm được đường xuất khẩu vì thiếu chỉ dẫn địa lý, cũng như chưa được đầu tư nâng cao chất lượng.

Ồ ạt đổ bộ


Từ ngày 18/12 này, táo chính gốc Aomori (Nhật Bản), do hệ thống siêu thị Intimex nhập khẩu trực tiếp từ Aomori, sẽ được bán rộng rãi trong tại chuỗi siêu thị Intimex, Big C và Unimart.

Các trái táo được lựa chọn một cách nghiêm ngặt, phải trải qua công đoạn đo các chỉ số về màu sắc, độ lớn, độ ngọt, độ chua, độ chín của từng quả.

Đây là những trái táo được thu hoạch trong vụ mùa năm 2016; nhằm phục vụ nhu cầu sản phẩm sạch, chất lượng cao, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của người tiêu dùng. Điều đáng nói, theo các chuyên gia, đây là dòng sản phẩm táo đặc biệt tươi ngon và an toàn chính ngạch đầu tiên của vụ mùa 2016 tới với người tiêu dùng Việt Nam, sau khi Việt Nam chính thức cho phép nhập khẩu táo từ Nhật Bản vào cuối năm 2015.


"Trong bối cảnh vấn đề an toàn thực phẩm đang rất được quan tâm như hiện nay, việc táo chính gốc Aomori được nhập khẩu và phân phối trực tiếp tại Việt Nam sẽ giúp các bà nội trợ có thêm lựa chọn chăm sóc sức khỏe cho gia đình mình với sản phẩm siêu sạch, an toàn, tươi ngon đến từ một quốc gia nổi tiếng với uy tín sản phẩm, với chất lượng các loại táo đã được công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, và hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc xuất xứ với mức giá thành hợp lý, ông Đinh Tiến Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam, đơn vị nhập khẩu chia sẻ.

"Thực sự không hề dễ dàng để Intimex nhập khẩu được sản phẩm táo từ Aomori, Nhật Bản vì những yêu cầu khắt khe về chất lượng. Chúng tôi đã mất gần 2 năm làm việc với với chính quyền Aomori, với nhà xuất khẩu, khảo sát quy trình thực hiện từ công tác chuẩn bị vụ mùa tới các khâu như thu hoạch, đóng gói theo các tiêu chuẩn chặt chẽ nhất để có thể mang được sản phẩm táo chính gốc Aomori – vùng đất vàng cho các dòng táo nổi tiếng thế giới về với người tiêu dùng Việt Nam", ông Thành cho biết thêm.


Aomori là vùng trồng táo nổi tiếng, nơi cung cấp đến 50% sản lượng táo tại Nhật Bản. Trước khi đến với người tiêu dùng, trái táo Aomori được trải qua nhiều công đoạn chăm sóc với tâm huyết của người nông dân Nhật Bản, trong đó những kỹ thuật tỉ mỉ như bọc trái kỹ càng khi còn ở trên cây, cắt bỏ hoa nhỏ và quả nhỏ để tập trung dinh dưỡng cho các trái lớn, hay sử dụng tấm phản quang giúp trái táo có màu sắc đều, đẹp.


Các trái táo được lựa chọn một cách nghiêm ngặt, phải trải qua công đoạn đo các chỉ số về màu sắc, độ lớn, độ ngọt, độ chua, độ chín của từng quả, từ đó đánh giá và phân loại táo. Việc phân tích thổ nhưỡng, phân tích dư lượng thuốc trừ sâu hay phân tích độ phóng xạ cũng được thực hiện kỹ càng để đảm bảo chất lượng từng trái táo.

Giới thiệu dâu tây Hàn Quốc tới người tiêu dùng Việt Nam.

Cùng với đó, bắt đầu từ ngày 13/12, dâu tây Hàn Quốc cũng đã chính thức được nhập khẩu về Việt Nam, thông qua Trung tâm aT Hà Nội, thuộc Tổng cục Nông Thủy sản và Thực phẩm Hàn Quốc (Korea Agro-Fisheries & Food Trade Corporation - trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc).


“Đây là sự kiện nhằm quảng bá những ưu thế của quả dâu tây Hàn Quốc – một sản phẩm mới được Chính phủ Việt Nam cấp phép kiểm dịch và bắt đầu được nhập khẩu vào Việt Nam từ năm nay. Dâu tây là sản phẩm có sức cạnh tranh cao của Hàn Quốc nhờ hệ thống quản lý chất lượng nghiêm ngặt và đang được xuất khẩu đi 20 nước trên thế giới như Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, Thái Lan…”, đại diện Trung tâm aT cho biết.

Dâu tây Hàn Quốc được quan tâm nâng cao chất lượng và độ ngọt của sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng này.

Tại Hàn Quốc, dâu tây được trồng ở nhà kính thông minh (smart farm), hoàn toàn tự động hóa từ trồng cho đến chăm sóc nhằm giảm tối đa việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình quản lý thực hành nông nghiệp tốt (GAP - Good Agricultural Practice). Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn có các chương trình hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật trồng và quản lý sản xuất nhằm mục đích nâng cao chất lượng và độ ngọt của sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng này. 


Mặt khác, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đảm bảo nhờ các chương trình đào tạo về an toàn và vệ sinh do Viện Quản lý Chất lượng Nông sản Hàn Quốc thực hiện liên tục. Theo đó, dâu tây sau khi thu hoạch được phân loại, đóng gói bằng công nghệ xử lý CO2 nồng độ cao với bao bì chuyên dụng và vận chuyển bằng đường hàng không. Chỉ 2 ngày sau khi thu hoạch, sản phẩm sẽ có mặt tại Việt Nam với độ tươi ngon tương đương các sản phẩm được bán cho người tiêu dùng Hàn Quốc.


Ông Kim Dong Kwan, Trưởng đại diện aT Hà Nội cho biết: “Trong điều kiện Việt Nam đang chú trọng phát triển nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm đồng thời đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm cho người dân, việc sản phẩm dâu tây Hàn Quốc được cấp phép kiểm dịch và chính thức nhập khẩu vào Việt Nam lần này sẽ góp phần tăng thêm cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận với một loại nông sản Hàn Quốc chất lượng cao, đảm bảo an toàn và tốt cho sức khỏe”.


Chưa có thương hiệu

Là một cường quốc về xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, nhưng 80% sản phẩm nông sản xuất khẩu hiện nay không có thương hiệu… khiến giá trị xuất khẩu hàng năm của nông sản Việt Nam luôn đạt mức rất thấp và ngày càng lo đối mặt với sự “ghẻ lạnh” của ngay chính người tiêu dùng trong nước.


“Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan Nhà nước bảo hộ. Để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc phát triển thị trường, bắt tay xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản có ý nghĩa sống còn trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay”, đại diện chuyên gia cho biết.


Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới rất giàu tiềm năng về nông sản, là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gạo cà phê, tiêu và dồi dào, phong phú các loại trái cây, cây công nghiệp, thủy hải sản. Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với địa danh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, Chè Thái Nguyên, cốm Làng Vòng, tỏi Lý Sơn, chuối Ngự Đại Hoàng… 


Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đã đạt được những kết quả nhất định trong những năm gần đây, đặc biệt là tư khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy vậy, vẫn còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.


Tồn tại trên có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn thấp. sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, kỹ năng kinh doanh thương mại và tiếp thị, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát, chính quyền cơ sở và người nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu nông sản.


Để có thể phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, đặc biệt là để đặc sản các vùng miền Việt Nam giữ vững thị trường trong nước, tiến tới mở rộng, chiếm lĩnh thị trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, vẫn còn không ít vấn đề cần được giải quyết.


“Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ, do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm; việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là hết sức quan trọng, cần thiết”, một chuyên gia chia sẻ.


Sự xuất hiện của táo Nhật và dâu tây Hàn Quốc xem ra là những bài học để nông sản Việt Nam có thể học theo, qua đó tìm đường "xuất ngoại" cho mình.


PV (TTXVN)
Hỗ trợ cho nông sản Việt
Hỗ trợ cho nông sản Việt

Tiếp tục thực hiện cam kết đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; trở thành “bà đỡ” cho những sản phẩm nông sản trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN