Bên cạnh đó, sáng 1/10 cũng ghi nhận nhiều điểm đo chỉ số không khí tại miền Bắc ở mức có hại cho sức khỏe, tập trung chủ yếu ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Tại Hà Nội, các điểm có chỉ số không khí ở mức có hại cho sức khỏe gồm: hệ thống liên cấp Lômônôxốp - Mầm non, huyện Hoài Đức, có chỉ số 151; Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, quận Cầu Giấy, chỉ số 173; Trung tâm NetNam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, quận Cầu Giấy, chỉ số 175; Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen, quận Ba Đình, chỉ số 167; Trung tâm Sao Mai, quận Thanh Xuân, chỉ số 162. Tại tỉnh Thái Nguyên, điểm đo ở Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên có chỉ số 161.
Tại mức chỉ số 151-200, tất cả người dân có thể bắt đầu cảm nhận được các ảnh hưởng đến sức khỏe; nhóm người nhạy cảm với ô nhiễm không khí bị ảnh hưởng nặng hơn.
Theo các chuyên gia khí tượng, ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố, tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Tình trạng bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ra văn bản đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí; tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường...