Người dân bên vườn chanh dây không cho trái. |
Tháng 10/2016, Công ty TNHH Tuấn Đại An, địa chỉ tại 38 Lý Nam Đế,
thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã đến xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia
Lai đã giới thiệu hoạt động của công ty; đồng thời, quảng cáo về một
bản hợp đồng hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho người dân trong xã.
Bản hợp đồng có những điều khoản có lợi cho người dân, như hỗ trợ 50%
kinh phí giống và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, người dân chỉ phải
trả trước một nửa, nửa còn lại sẽ trả cho công ty khi cây cho trái và
được trả theo từng đợt. Công ty cũng sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Công
ty TNHNN Tuấn Đại An cũng không quên giới thiệu về giống chanh dây của
mình, với nhiều tính năng vượt trội như trái to, vỏ dày, màu sắc đẹp,
đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu. Đặc biệt hơn là chỉ mất 2,5 tháng
sẽ cho thu hoạch. Điều đáng nói, buổi hội thảo này không thông qua UBND
xã Ia Hla.
“Việc hỗ trợ trả sau 50% tiền giống, phân
bón và thuốc bảo vệ thực vật khiến cho chúng tôi cảm thấy hấp dẫn, vì có
lợi cho người nông dân. Do không có nhiều tiền nên việc hỗ trợ này của
công ty giúp chúng tôi không bị áp lực về tài chính mà vẫn có chanh để
trồng, phân và thuốc để chăm sóc cho cây, cũng như việc bao tiêu toàn bộ
sản phẩm khiến chúng tôi khá tin tưởng vào bản hợp đồng này, không nghi
ngờ gì cả”, anh Phạm Văn Dũng, trú thôn Tai Pêr, xã Ia Hla cho biết.
Không những vậy, để người dân yên tâm, tin tưởng hơn nữa, Công ty
TNHH Tuấn Đại An còn đưa một số hộ nông dân đến trụ sở của mình ở 38 Lý
Nam Đế, thành phố Pleiku để chứng kiến cảnh mua bán, nhập hàng về của
công ty. Đồng thời, đưa đến một vườn chanh dây đang cho thu hoạch tại
huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai với lời giới thiệu, đây là vườn chanh dây
của công ty. Không còn nghi ngờ, các hộ nông dân đã đồng ý ký vào bản
hợp đồng hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
Tại xã Ia Hla, có
tổng cộng 8 hộ dân tham gia trồng chanh dây của Công ty TNHH Tuấn Đại An
cung cấp, với diện tích gần 10 ha. Trong khi đó, tại xã Ia Blứ, huyện
Chư Pưh là 24 hộ với tổng diện tích 16 ha.
Qua 8 tháng
canh tác, toàn bộ diện tích chanh dây do Công ty TNHH Tuấn Đại An cung
cấp giống đã không cho trái. Chỉ có một số ít diện tích bắt đầu cho trái
song trái rất nhỏ, bị sâu, không đạt tiêu chuẩn để bán.
“Khi chúng tôi gọi điện thoại báo với công ty rằng chanh không cho trái
thì công ty yêu cầu chúng tôi lấy phân bón để bón cho cây thì mới có
quả. Chúng tôi là nông dân, không hiểu biết nhiều, cứ nghe thấy vậy thì
đồng ý. Công ty đưa về một bao phân 25 kg có giá 3,3 triệu đồng. Tôi
bón cho cây nhưng vẫn không thấy có kết quả gì. Ngoài phân bón, Công ty
cũng cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, nhưng toàn bộ đều không có nhãn
mác, nên chúng tôi không dám sử dụng. Toàn bộ tiền đầu tư cho 3 ha chanh
dây của Công ty TNHH Tuấn Đại An là tiền vay mượn, bây giờ chanh không
có trái, gia đình tôi cũng không biết lấy đâu ra tiền để trả”, anh Đinh
Văn Cường cho biết.
Quá uất ức, người dân tại xã Ia
Hla đã làm đơn kiện gửi lên chính quyền xã Ia Hla. Ngày 28/4/2017, một
buổi hòa giải giữa người dân và Công ty TNHH Tuấn Đại An được tổ chức
tại UBND xã Ia Hla. Tại đây, các hộ nông dân trồng chanh dây do Công ty
TNHH Tuấn Đại An cung cấp giống đã yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt
hại cho người nông dân với số tiền bằng số tiền gốc đầu tư ban đầu.
Thế nhưng, phía Công ty TNHH Tuấn Đại An không đồng ý. Họ cho rằng,
chanh không có trái là do không hợp với điều kiện thổ nhưỡng và chỉ chấp
nhận hoàn lại 30% số giống cho người nông dân.
“Giống
ban đầu họ cung cấp cho chúng tôi đã không cho trái, nay lại yêu cầu bồi
thường giống thì chúng tôi không đồng ý, vì sợ trồng xuống lại tiếp tục
không có trái. Chúng tôi chỉ yêu cầu họ trả lại số tiền gốc mà chúng
tôi đầu tư ban đầu để mua cây giống khác trồng nhưng họ không đồng ý”,
anh Nguyễn Hồng Thao, thôn Tai Pêr, xã Ia Hla cho biết.
Chính vì vậy, buổi hòa giải đã không thành công. Sau buổi hòa giải đầu
tiên không thành công, xã Ia Hla tiếp tục tổ chức hai buổi hòa giải,
song không có sự tham dự của Công ty TNHH Tuấn Đại An.
Anh Nguyễn Hồng Thao lo lắng: "Chúng tôi đã lên trụ sở của Công ty TNHH
Tuấn Đại An để tìm, thế nhưng công ty đã đóng cửa, không ai biết đi
đâu". Vì vậy, các hộ dân tại xã Ia Hla đã gửi đơn kiện lên UBND tỉnh Gia
Lai, người dân xã Ia Blứ gửi đơn kiện đến Phòng Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn huyện Chư Pưh.
Để làm rõ những thông tin
đã ghi nhận, phóng viên cũng đã tìm đến trụ sở của Công ty TNHH Tuấn Đại
An nhưng trụ sở công ty đã đóng cửa.
Người dân phá bỏ diện tích chanh dây không cho trái để trồng giống chanh khác. |
Ông Nguyễn Văn
Khanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Pưh
cho biết, theo quy hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh
Gia Lai, diện tích chanh dây của huyện Chư Pưh là 50 ha, nhưng đến nay,
diện tích này đã lên đến trên 200 ha. Nguyên nhân chính của sự phát
sinh này là do người dân tận dụng diện tích hồ tiêu bị chết do bệnh,
già; trong đó, có một số diện tích không cho trái để trồng chanh dây.
Theo ông Khanh, đối với xã Ia Blứ, ngành nông nghiệp huyện sẽ triển
khai các bước đối thoại và nếu cần thiết sẽ chuyển hồ sơ sang công an
truy tố nếu có dấu hiệu lừa đảo của Công ty TNHH Tuấn Đại An. Riêng tại
xã Ia Hla, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo huyện Chư Pưh và các ngành
chuyên môn tiến hành thẩm tra và xác minh lại vấn đề.
Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang tích cực triển
khai, cùng với Quản lý thị trường, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
kiểm tra, xác minh toàn bộ thông tin. Nếu Công ty TNHH Tuấn Đại An vi
phạm hợp đồng thì phải bồi hoàn thiệt hại cho người dân. Nếu công ty
không chấp nhận thì sẽ chuyển hồ sơ cho công an huyện Chư Pưh xử lý.