Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi: Bài 2 - Xã hội hóa các viện dưỡng lão

Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước dành cho công tác chăm lo sức khỏe, đời sống người cao tuổi vẫn còn hạn hẹp thì xu hướng xã hội hóa, vận động tư nhân thành lập các trung tâm dưỡng lão, tham gia vào chuỗi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trở thành xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để dịch vụ này phát triển, rất cần sự hỗ trợ, nỗ lực từ nhiều phía.

Loay hoay để tồn tại

Là trung tâm dưỡng lão tư nhân đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, làng an dưỡng Ba Thương (huyện Củ Chi) được kỳ vọng sẽ trở thành cơ sở dưỡng lão đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu tại Việt Nam với cơ sở vật chất khang trang, dịch vụ đầy đủ và không gian xanh mát.

Các Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ, thương bệnh binh, cán bộ hưu trí tại Viện dưỡng lão Thị Nghè (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Đi vào hoạt động từ năm 2007 nhưng do giá dịch vụ quá cao nên trong suốt một thời gian dài chỉ có một số Việt kiều và người cao tuổi của các gia đình có điều kiện kinh tế tìm đến làng. Sau này, do thu không bù chi, làng an dưỡng Ba Thương đã phải thay tên, đổi chủ và chuyển đổi công năng thành làng nghỉ dưỡng Thôn Kinh Đông.

Từ ngày thay đổi tên gọi, làng nghỉ dưỡng Thôn Kinh Đông phục vụ không chỉ riêng đối tượng người cao tuổi mà chuyển thành phục vụ  cả khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, dù đã mở rộng đối tượng phục vụ nhưng làng nghỉ dưỡng này vẫn trong cảnh “đìu hiu”.

Ra đời muộn hơn nhưng nhờ áp dụng mô hình chuẩn từ Nhật Bản và mức phí không quá cao nên đến thời điểm này Viện dưỡng lão Bình Mỹ (huyện Củ Chi) là trung tâm dưỡng lão tư nhân duy nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh còn hoạt động. Hiện trung tâm này đang nuôi dưỡng gần 200 người cao tuổi với mức phí 8 triệu đồng/người cao tuổi/tháng.

Ông Bùi Anh Trung, Giám đốc Viện dưỡng lão Bình Mỹ cho biết: Đơn vị này tiếp nhận các đối tượng là  người cao tuổi, kể cả người cao tuổi bị liệt hoàn toàn, người cao tuổi mắc bệnh hiểm nghèo... Mặc dù khi nhận những người cao tuổi sức khỏe yếu thì mức độ rủi ro cao và có thể đối mặt với kiện cáo nhưng chúng tôi không dám từ chối bởi nếu vậy thì không có khách hàng.

Theo ông Trung, do dịch vụ này còn quá mới ở Việt Nam nên đơn vị của ông phải tự mày mò, tìm hiểu cách thành lập, vận hành. Để tìm ra mô hình phù hợp với Việt Nam, bản thân ông đã phải đi đến nhiều nước như Mỹ, Pháp, Nhật Bản để học hỏi mô hình của các nước này.

Vốn đầu tư lớn nhưng sự mạo hiểm, rủi ro lại vô cùng cao, đó là lý do có thời gian nhiều trung tâm dưỡng lão tư nhân thi nhau mọc lên nhưng cũng theo nhau đóng cửa. “Nếu không có cái tâm với người già, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của họ để có những dịch vụ đặc biệt thì không thể thành công”, ông Bùi Anh Trung chia sẻ.

Cần có chính sách phát triển viện dưỡng lão tư nhân


Nói về sự cần thiết khuyến khích phát triển viện dưỡng lão tư nhân, Thạc sỹ Trịnh Thị Hiền - Viện nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến, hiện hầu hết mô hình dưỡng lão ở Việt Nam đều do Nhà nước bảo trợ và được phân bổ theo địa phương nên chỉ nhận nuôi dưỡng một số đối tượng người cao tuổi nhất định như: người già neo đơn, bị bỏ rơi hoặc người cao tuổi thuộc diện chính sách. Do đó, việc khuyến khích nhân rộng mô hình nhà dưỡng lão tư nhân hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của xã hội.

Để phát triển mô hình dưỡng lão tư nhân, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi như miễn thuế, cho thuê đất với giá thấp… Ông Bùi Anh Trung cho biết, đến thời điểm này các cơ sở dưỡng lão tư nhân vẫn chưa nhận được bất kỳ chính sách ưu đãi nào từ Nhà nước.

Chúng tôi rất cần được Nhà nước tiếp sức bằng những chính sách cụ thể, hợp lý trong thời gian tới để có thể "sống sót" trong tình cảnh khó khăn hiện nay. Ngoài ra, cũng cần có thêm cơ chế bảo vệ các cơ sở dưỡng lão tư nhân bởi đây là loại hình kinh doanh mang tính rủi ro cao.

Theo ông Châu Minh Tỷ - Trưởng ban đại diện Hội người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh già hóa dân số đang ngày càng diễn ra mạnh, Nhà nước chưa đủ lực để chăm lo tốt cho người cao tuổi thì nên khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào dịch vụ dưỡng lão. Khuyến khích xã hội hóa dịch vụ dưỡng lão cần đi kèm đa dạng hóa, xây dựng nhiều mô hình dưỡng lão cho riêng từng đối tượng người cao tuổi bởi không phải mọi người đều có nhu cầu giống nhau.

Từ thực tế hiện nay, ông Tỷ đề xuất, với những người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe, không tự chăm sóc được bản thân cần được đưa đến các trung tâm dưỡng lão tập trung. Còn với những người cao tuổi vẫn còn sức khỏe thì nên có một mô hình dưỡng lão dạng bán trú.

Theo đó, trung tâm dưỡng lão tiếp nhận người cao tuổi vào buổi sáng mỗi ngày, tại đây họ được tham gia nhiều sinh hoạt giải trí phù hợp như đánh cờ, dưỡng sinh, đánh bóng bàn…; đến tối họ lại được đón về với gia đình, con cháu. Để xây dựng được mô hình này rất cần sự đầu tư xã hội hóa nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước. “Mô hình này rất hay ở chỗ người cao tuổi vẫn không bị tách rời khỏi cộng đồng, gia đình và vẫn có đời sống tinh thần vui vẻ, thoải mái”, ông Tỷ chia sẻ.

Đinh Hằng (TTXVN)
Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi: Bài 1 - Nhu cầu thực tế
Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi: Bài 1 - Nhu cầu thực tế

Tại các nước phát triển, việc chăm sóc người cao tuổi trong viện dưỡng lão từ lâu được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trước thách thức già hóa dân số. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng, các trại dưỡng lão đến nay vẫn rất thiếu và yếu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN