Cất cánh tháng 2 - 'Món quà vô giá': Chuyện về tháng đương đầu với dịch COVID-19

Chương trình Cất cánh tháng 2 với chủ đề "Món quà vô giá", cùng những câu chuyện sau gần một tháng đương đầu với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra, sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 20 giờ 10 phút, thứ Bảy ngày 15/2, trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Chú thích ảnh
Phóng viên các cơ quan báo chí phỏng vấn lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại lễ tiễn 3 bệnh nhân mắc nCoV xuất viện sau khi điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Chương trình có sự tham gia của các diễn giả, khách mời: Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, y tá Nguyễn Thị Mến (Bệnh viện Việt Pháp); bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương). 

Một đất nước khỏe mạnh không thể thiếu sự đóng góp của ngành y, của các y bác sỹ đang ngày qua ngày chiến đấu với các chủng loại bệnh tật có mức độ phức tạp, biến thể theo từng giây. Họ cũng là con người và cũng không thể nào miễn dịch 100% với bệnh tật. Song trong những lúc khó khăn nhất, ngặt nghèo nhất của các bệnh dịch, họ luôn ở đó, nơi tuyến đầu, trở thành tấm khiên vững chắc để bảo vệ nhân dân, vì một đất nước khỏe mạnh. 

Tại chương trình, khán giả sẽ nghe bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, y tá Nguyễn Thị Mến ở Bệnh viện Việt Pháp kể lại câu chuyện về những nỗ lực, sự hy sinh đầy trách nhiệm của những "chiến sỹ mặc áo trắng" trong cuộc chiến chống lại dịch SARS năm 2003.

Đầu năm 2003, người dân khắp thế giới hoang mang vì một loại dịch bệnh mới xuất hiện. Một căn bệnh lạ chưa từng được ghi nhận trong lịch sử y khoa thế giới, với tốc độ lan truyền nhanh chóng qua đường hô hấp và niêm mạc mắt. Lần đầu tiên xuất hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp tính với diễn biến rất phức tạp, gây suy hô hấp và dẫn tới tử vong. Hội chứng có tên khoa học là SARS.

Ngày 26/2/2003, một bệnh nhân người Mỹ gốc Hoa bị sốt và nhập Bệnh viện Việt Pháp với triệu chứng lạ, ho nhiều và khó thở. Không ai biết ông mắc hội chứng SARS - nỗi khiếp sợ của nhân loại vào thời điểm đó. Các bác sỹ, y tá của Bệnh viện Việt Pháp vẫn thăm khám, điều trị cho bệnh nhân này. Vài ngày sau, bệnh nhân trở bệnh nặng, bị suy hô hấp và nhanh chóng tử vong. Lần lượt 39 cán bộ y tế của Bệnh viện Việt Pháp bị lây nhiễm, 5 người tử vong. Việc chạy đua với thời gian để bao vây khống chế dịch không lan ra cộng đồng là nhiệm vụ đầy thử thách của đội ngũ cán bộ y tế.

Bà Nguyễn Thị Mến, Y tá trưởng của Khoa Nhi (Bệnh viện Việt Pháp) - một trong 39 người bị lây nhiễm SARS và đã thoát chết thần kỳ, là nhân chứng cụ thể nhất cho nỗ lực, hy sinh đầy trách nhiệm và lặng thầm của đội ngũ y, bác sỹ.

Tháng 2/2020, cả thế giới lại "gồng" mình chống lại dịch COVID-19, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 16 ca dương tính; cả nước tập trung chống dịch, trong đó, ở nơi tuyến đầu là ngành y tế.

Ngoài các ca bệnh thông thường của các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là tuyến đầu trong việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới.

Câu chuyện của bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), là câu chuyện từ nơi tuyến đầu chống dịch, với những nỗ lực không mệt mỏi của các y bác sỹ với những áp lực, cả những động lực đối với công việc họ đang làm.

Chương trình Cất cánh sẽ tổ chức một cầu truyền hình đặc biệt giữa trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam và gia đình bác sỹ Trung Cấp. Suốt từ ngày mùng 2 Tết đến giờ, gia đình bác sỹ chưa gặp lại nhau. Khán giả sẽ được nghe chia sẻ từ hậu phương của các bác sỹ trong những ngày qua.

Nhìn lại quãng thời gian gần một tháng đương đầu với dịch COVID-19, tại chương trình, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, đưa ra cái nhìn bao quát về sức mạnh toàn dân trong chống lại dịch bệnh. Sức mạnh ấy không chỉ đến từ đội ngũ cán bộ ngành y phòng chống dịch, các y bác sỹ, còn đến từ tất cả mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội, các cơ quan truyền thông; từ những chiếc khẩu trang phát miễn phí cho đến ý thức trong phòng ngừa cho chính bản thân mỗi người và gia đình…

Chương trình Cất cánh tháng 2/2020 sẽ được truyền hình trực tiếp từ một trường quay không khán giả. Khán giả sẽ ở nhà, xem chương trình và tương tác trực tiếp thông qua các nền tảng số của Đài Truyền hình Việt Nam. Đây cũng là nỗ lực ê kíp thực hiện nhằm góp một phần công sức của chương trình vào việc phòng dịch trên truyền thông và đặc biệt là trên Intetnet.

TTXVN/Báo Tin tức
EVNSPC: Ưu tiên cấp điện các bệnh viện và cơ sở y tế phòng chống dịch COVID - 19 (nCoV)
EVNSPC: Ưu tiên cấp điện các bệnh viện và cơ sở y tế phòng chống dịch COVID - 19 (nCoV)

Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID -19 (nCoV) gây ra, thực hiện chỉ đạo của EVN để đảm bảo điện cho các bệnh viện, cơ sở y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã yêu cầu các Công ty Điện lực thành viên, các Điện lực trực thuộc thực hiện các phương án ưu tiên đảm bảo cấp điện phục vụ cho các bệnh viện và cơ sở y tế phòng chống dịch COVID -19 (nCoV).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN