Di tích thắng cảnh Đầm Ô Loan. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Được biết, năm 2014, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Tuy An, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên chấn chỉnh, xử lý tình trạng lấn chiếm trái phép nói trên, phải xử lý dứt điểm những trường hợp tự ý xây nhà ở và đắp ao đìa nuôi trồng thủy sản trong đầm Ô Loan; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định đối với những trường hợp trong vùng quy hoạch Dự án nuôi trồng thủy sản đầm Ô Loan.
Đối với vành đai khoanh vùng bảo vệ thắng cảnh trong khu vực cần phải được bảo vệ nguyên trạng; bờ đầm tính từ mép nước lên 100 m, không cho phép xây dựng bất cứ công trình nào trong khu vực này. UBND huyện Tuy An sớm tiến hành cắm mốc và công khai quy hoạch để nhân dân biết… Tuy nhiên, chính quyền các cấp, ngành đã không xử lý triệt để.
Khoảng trước năm 1997 (thời điểm đầm Ô Loan được Bộ Văn hóa và Thông tin, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia) trong đầm đã có 325 ha nuôi trồng thủy sản, chiếm gần 1/4 diện tích mặt đầm. Tuy nhiên, đến nay chỉ có gần 70 ha được UBND huyện Tuy An cấp quyết định giao đất mặt nước; còn lại đều là lấn chiếm trái phép. Đối với trường hợp xây dựng trái phép ở ven đầm Ô Loan: Có đến 232 hộ xây dựng nhà ở và công trình khác với tổng diện tích vi phạm gần 17.190 m2.
Theo ông Hoàng Ngọc Mùi, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy An, trong số các hộ dân lấn chiếm, số hộ ở xã An Cư chiếm gần 64% trường hợp với 113 hộ. Do chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không cương quyết xử lý nên đã xảy ra tình trạng một số hộ lén lút cải tạo nâng cấp nhà ở trên diện tích đã vi phạm.
Theo UBND huyện Tuy An, một trong những nguyên nhân khó xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm là do vướng quy định khung xử phạt vì đối với những trường hợp này khung xử phạt lên trên 30 triệu đồng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Tuy nhiên, UBND tỉnh Phú Yên lại có văn bản giao địa phương tiếp tục vận động các hộ dân tháo dỡ những công trình vi phạm để trả lại mặt bằng cho đầm Ô Loan, nên UBND huyện gặp khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết trước mắt huyện kiên quyết xử phạt những trường hợp xây dựng các ao đìa nuôi trồng thủy sản cũng như các cơ sở kinh doanh ăn uống trong đầm; đồng thời trong thời gian tới sẽ xử lý các trường hợp lấn chiếm đất ven đầm để xây dựng nhà ở.
Theo đó, nếu xác định những diện tích đất xây dựng nhà ở của dân nằm liền kề trong khu dân cư đã được quy hoạch theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ cho phép được chuyển đổi mục địch sử dụng đất để người dân yên tâm sinh sống ổn định. Đối với những diện tích không phù hợp với quy hoạch, phải được bảo vệ nguyên trạng, UBND huyện, chính quyền các xã ven biển và các ngành chức năng sẽ kiên quyết yêu cầu người dân tháo dỡ.