Người uống rượu thường bị hai loại ngộ độc, một là ngộ độc rượu thực phẩm ethanol, hai là ngộ độc rượu giả pha từ cồn công nghiệp methanol.
Thời gian gần đây, số người bị ngộ độc rượu pha từ cồn công nghiệp methanol tăng lên vì nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thường uống loại cồn methanol pha chế vì giá rất rẻ, chỉ khoảng 10.000 đồng/lít. Hơn nữa việc phân biệt loại rượu pha chế bằng methanol với rượu thực phẩm ethanol rất khó.
Bệnh nhân vụ ngộ độc Methanol tại xã Ma Ly Chải, được cấp cứu tại bệnh viện tuyến tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN |
Do vậy, ngày cả trong những dịp lễ, tết, hiếu, hỉ nhiều người dân vẫn uống rượu pha chế từ cồn methanol. Hậu quả là đã có nhiều vụ ngộ độc cồn methanol tập thể làm cho nhiều người bị mất sức lao động, tàn phế, thậm chí tử vong do hàm lượng methanol cao gấp nhiều lần cho phép đã ngấm vào cơ thể.
Có thể nói trong nhiều năm gần đây, số người nghiện rượu gia tăng và có xu hướng "trẻ hóa"; nhất là ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Nghe tưởng như nghịch lý, nhưng thực tế cho thấy, ở vùng đặc biệt khó khăn thì tỷ lệ người uống rượu, nghiện rượu rất cao, kể cả đàn ông, đàn bà, thanh niên, người cao tuổi.
Chính vì vậy mà những đối tượng này, để thỏa "cơn ghiền" đã uống các loại rượu giả rẻ tiền pha bằng cồn công nghiệp methanol, rượu không rõ nguồn gốc. Ở ngay các đô thị lớn, việc các hang quán cũng bán các loại rượu không dán nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ.
Tình trạng uống rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc giá rẻ đã trở thành phổ biến với đại đa số, khiến nhiều người thành con nghiện, mất sức lao động, ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Trong không ít trường hợp người say rượu, nghiện rượu còn gây mất trật tự an toàn xã hội; ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, thậm chí cả đạo đức, lối sống.
Tình trạng bán rượu giả, không rõ nguồn gốc một cách tràn lan xem như đã vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, trở thành nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc tập thể, gây chết người trong thời gian qua.
Vì vậy, để tiến tới chặn đứng việc rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc đang bán tràn lan trên thị trường hiện nay thì các lực lượng chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt. Kiên quyết tịch thu và tiêu hủy các loại rượu không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ. Nhà nước cần phải có qui định có điều kiện về người nấu rượu và bán rượu.
Từ lâu, rượu đã là loại hàng hóa chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng với thực trạng toàn dân ai cũng có thể nấu, pha chế và bán rượu như hiện nay, cho ra lò khoảng 200 triệu lít rượu (gần 70%) không có tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, đang được tiêu thụ trên thị trường cả nước mỗi năm.
Việc này chẳng những gây thất thu thuế mà còn làm gia tăng thêm áp lực trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, việc lập lại trật tự đối với với việc sản xuất, chế biến và kinh doanh rượu với các hộ nhỏ lẻ là rất cần thiết, hướng đến các mục tiêu về kiểm soát chất lượng rượu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe của người sử dụng, tăng thêm nguồn thu cho địa phương.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, chính quyền đã quản lý việc chế biến và kinh doanh rượu rất tốt. Trong làng, xã không có gia đình nào nấu rượu lậu vì đó là hành vi bị cấm, sẽ bị chính quyền xử lý, giáo dục.
Ngày nay, dù việc người dân nấu rượu đã không còn là hành vi vi phạm nhưng các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn người dân cách nấu rượu theo tiêu chuẩn; các nhà sản xuất nên cung cấp loại men rượu bảo đảm chất lượng cho các hộ dân, kiểm tra và dán mác xuất xứ từ cơ sở; như một chỉ dẫn cho người tiêu dùng.
Đồng thời kiên quyết xử phạt thật nặng với những cơ sở pha chế cồn methanol làm rượu; kể cả xử lý hình sự khi để xảy ra ngộ độc làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.