Cần đảm bảo hài hòa quyền lợi người lao động khi thu bảo hiểm xã hội bằng cà phê

Việc hai công ty cà phê tại Gia Lai yêu cầu công nhân đóng bảo hiểm xã hội bằng sản phẩm cà phê đã gây ra nhiều bức xúc cho người lao động. Dù phương thức này đã được áp dụng trong 2 năm qua nhưng vẫn vấp phải nhiều phản ứng do mức đóng được cho là quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của công nhân.

Chú thích ảnh
Nhiều công nhân của Công ty Cà phê Ia Sao 1 (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) phản ánh bị yêu cầu nộp bảo hiểm xã hội bằng sản phẩm cà phê. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Công nhân chịu thiệt do giá cà phê cao

Nhiều công nhân của Công ty Cà phê Ia Sao 1 và Công ty Cà phê 706 (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) phản ánh rằng, họ bị yêu cầu nộp bảo hiểm xã hội bằng cà phê. Theo hợp đồng khoán, công nhân nhận khoán sẽ chăm sóc, bón phân, tưới nước và khi thu hoạch phải nộp lại cho công ty 4 tấn cà phê tươi/1 ha, phần dư còn lại mới được hưởng. Hai năm qua, khi giá cà phê trên thị trường liên tục tăng cao, 2 công ty nói trên đã yêu cầu công nhân đóng bảo hiểm bằng cà phê, với mức hơn 1,7 tấn/người/năm. Với công nhân có bậc lương cao, người lao động còn phải đóng thêm từ 5-10 triệu đồng tiền mặt bên cạnh số cà phê quy định trên.

Mức đóng này khiến nhiều công nhân cho rằng quá cao so với thực tế. Tính theo giá thị trường, 1,7 tấn cà phê hiện có giá khoảng 43 triệu đồng, cộng thêm khoản nộp bằng tiền mặt, tổng số tiền công ty thu vào khoảng 50 triệu đồng/người. Trong khi đó, mức đóng bảo hiểm xã hội theo bậc lương cao nhất của công nhân chỉ khoảng 30 triệu đồng/người/năm.

Bà T., một công nhân của Công ty Cà phê Ia Sao 1, trú tại xã Ya Yok, huyện Ia Grai cho biết, hai vợ chồng bà nhận khoán 2 ha cà phê từ phía công ty với mức đóng bảo hiểm của hai vợ chồng chỉ khoảng 25 - 28 triệu đồng/người/năm. Nhưng nay, với hình thức thu mới của công ty, số tiền đóng bảo hiểm bị đẩy lên mức quá cao. Ông D, một công nhân khác nhận khoán 1 ha cà phê hơn 10 năm nay cũng bức xúc cho biết, trước đây ông chỉ phải đóng bảo hiểm từ 15 - 18 triệu đồng/năm, nhưng nay công ty yêu cầu đóng 1,7 tấn cà phê cộng với 5 triệu đồng tiền mặt nên số tiền đóng gấp đôi so với các năm trước.

Mỗi ha cà phê chăm sóc tốt có thể thu hoạch được từ 14 - 15 tấn. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí phân bón, tưới nước, công chăm sóc và số cà phê phải nộp cho công ty, công nhân gần như không còn lại gì...

Cần đảm bảo hài hòa quyền lợi cho công nhân

Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp Công ty Cà phê Ia Sao 1 cho biết có việc thu bảo hiểm bằng cà phê. Phương án này đã được trao đổi với người lao động và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phê duyệt. Lý do thay đổi cách thu là do trước đây nhiều hộ nhận khoán không đóng bảo hiểm đầy đủ dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài. Công ty quyết định quy đổi mức đóng bảo hiểm sang sản lượng cà phê với giá thành sản xuất khoảng 10.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thị trường khoảng 25.000 đồng/kg. Sau khi thu cà phê và nộp bảo hiểm cho người lao động, phần cà phê còn lại sẽ được nhập vào doanh thu của doanh nghiệp. Nếu giá cà phê thị trường giảm thấp hơn giá thành sản xuất, công ty sẽ hỗ trợ bù vào để đảm bảo công nhân vẫn có bảo hiểm.

Ông Trịnh Xuân Bảy, Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 1 khẳng định, công ty đang hoạt động theo mô hình hạch toán phụ thuộc nên các phương án thu đều phải thực hiện theo chỉ đạo từ phía Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Phương án thu này đã được cấp trên phê duyệt. Doanh nghiệp đã tổ chức họp bàn với công nhân trước khi triển khai và nhận được sự đồng thuận 100%.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, mức thu bảo hiểm xã hội của hai công ty trên được xác định dựa trên bậc lương của công nhân. Cụ thể, tại Công ty Cà phê Ia Sao 1, mức thu bình quân mỗi lao động trong năm 2023 là khoảng 23,8 triệu đồng. Tại Công ty Cà phê 706, mức thu dao động từ 17 triệu đồng/người (bậc lương thấp nhất) đến 30 triệu đồng/người (bậc cao nhất).

Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai khẳng định, đơn vị chỉ thu bằng tiền mặt, không thu bằng cà phê và thực hiện thu bảo hiểm theo đúng quy định của Nhà nước. Doanh nghiệp và người lao động có quyền thỏa thuận phương án thu nhưng cần đảm bảo hài hòa lợi ích của cả hai bên.

Việc thu bảo hiểm bằng sản phẩm cà phê là trường hợp hiếm thấy, cho thấy sự bất cập trong mối quan hệ giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Mặc dù các công ty cho rằng phương án này giúp khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm nhưng thực tế mức đóng quá cao đã tạo áp lực tài chính lớn cho người lao động. Câu hỏi đặt ra là liệu hình thức thu này có đảm bảo tính minh bạch, công bằng hay không khi giá cà phê biến động theo thị trường, dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng?

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Gia Lai ngày 18/2, ông Nguyễn Hoàng Phong, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai cho biết, qua phản ánh của báo chí, Liên đoàn đã nắm được thông tin về vụ việc tranh chấp giữa người lao động và các công ty cà phê liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị chưa nhận được đơn khiếu nại từ người lao động. Do vụ việc liên quan đến đoàn viên công đoàn thuộc các công ty cà phê, nên thẩm quyền giải quyết thuộc về Công đoàn Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Trước mắt, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi thông tin.

Chia sẻ về vấn đề này, một lãnh đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cho biết, hiện nay, phương án thu bảo hiểm xã hội bằng sản phẩm đã được hướng dẫn chung cho tất cả các công ty thành viên trực thuộc. Tổng Công ty đã đưa ra quan điểm chỉ đạo xây dựng phương án khoán cụ thể ở tất cả các công ty là thu bảo hiểm và kinh phí công đoàn bằng sản phẩm. Việc xây dựng phương án khoán nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi, lợi ích của cả công ty và người lao động. Trước những bức xúc của công nhân về việc thu bảo hiểm xã hội bằng cà phê thay vì tiền mặt, quan điểm của Tổng Công ty là sẽ yêu cầu các công ty thành viên kiểm tra, báo cáo cụ thể để kịp thời có hướng giải quyết, tránh tạo căng thẳng trong nội bộ người lao động. Đồng thời, Tổng Công ty cam kết tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh phương án thu bảo hiểm sao cho phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của công nhân.

Hoài Nam – Xuân Huy (TTXVN)
Cà phê trong cơn 'bão giá'
Cà phê trong cơn 'bão giá'

Giá cà phê kỳ hạn đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm 2025, dao động gần mức cao nhất mọi thời đại. "Cơn bão giá" này đang bắt đầu lan tỏa đến túi tiền của người tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN