Gia Lai hướng tới đưa cà phê sạch vươn ra thị trường quốc tế

Gia Lai đang từng bước phát triển ngành cà phê theo hướng bền vững, đáp ứng các tiêu chí quốc tế nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Cà phê chín cho chất lượng vượt trội. 

Theo kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tỉnh đang đặt mục tiêu định hướng phát triển ổn định diện tích cà phê toàn tỉnh khoảng 100.000 ha; trong đó, cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ đạt khoảng hơn 15%. Hiện nay, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích hiện có trên 105.000 ha trải rộng ở 10 huyện, thành phố, gần 60.000 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, organic…

Cà phê Gia Lai chủ yếu là giống Robusta với năng suất hơn 3,9 tấn/ha, sản lượng hơn 400.000 tấn/năm. Năm 2024, cà phê tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai với sản lượng 210.000 tấn, kim ngạch đạt 620 triệu USD, tăng 26,53% so với năm trước và thị trường xuất khẩu được mở rộng ra 50 quốc gia.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, để tiếp tục nâng cao chất lượng cà phê nhằm mở rộng thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trên địa bàn tỉnh sẽ đẩy mạnh áp dụng rộng rãi kỹ thuật tưới tiết kiệm, trồng cây chắn gió, tủ gốc và canh tác cà phê cảnh quan; đồng thời, từng bước áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch và sản xuất cà phê đạt chứng nhận.

Trong đó, phát triển cà phê sạch là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. "Chúng tôi khuyến khích bà con áp dụng phương thức canh tác bền vững, sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch quả chín để đảm bảo chất lượng cà phê. Khi người nông dân hiểu rõ giá trị của sản xuất sạch, họ sẽ chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó giá bán cũng sẽ cao hơn, ổn định hơn," ông Có chia sẻ.

Chú thích ảnh
Cà phê hạt của Gia Lai có chất lượng vượt trội, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.

Nhận thức rõ điều đó, gia đình chị Rơ Châm A Wưnh tại huyện Chư Păh đã mạnh dạn thay đổi tư duy, từ cách làm cà phê truyền thống sang hướng hữu cơ bền vững. Với đôi tay cần mẫn và sự quyết tâm, họ không còn phụ thuộc vào phân bón hóa học mà tận dụng nguồn phân chuồng, vỏ trấu, vỏ cà phê để cải tạo đất. Những mảnh vườn trước kia bạc màu nay đã xanh tốt, cây cà phê phát triển khỏe mạnh, không còn sâu bệnh nhờ vào hệ sinh thái cân bằng tự nhiên.

Chị A Wưnh cũng bày tỏ niềm vui khi người dân trong vùng bắt đầu quan tâm đến cách làm cà phê sạch, hiểu rằng đây không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm với sức khỏe của chính mình và thế hệ mai sau. 

Chị Rơ Châm A Wưnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến nông sản Jrai Ialy (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) cho biết, công ty đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, phía công ty hỗ trợ người dân áp dụng mô hình thu hoạch chọn lọc, chỉ hái quả chín để đảm bảo chất lượng, đồng thời thu mua cà phê với giá cao hơn mặt bằng chung nhằm khuyến khích người dân trong vùng sản xuất sạch. Những hạt cà phê từ tay người Jrai giờ đây không chỉ thơm ngon mà còn chứa đựng cả tâm huyết của những người làm nông chân chính.

Trước đây, người dân trong vùng chị Wưnh bán cà phê thô với giá thấp, bấp bênh theo thị trường. Nay, nhờ sản xuất theo quy trình sạch, giá bán cao hơn từ 2 - 2,5 lần. Quan trọng hơn, sức khỏe của gia đình và cộng đồng cũng được bảo vệ, không còn lo ngại về hóa chất. Được như vậy, vợ chồng chị A Wưnh phải tiên phong đi đầu, làm gương trong sản xuất để bà con noi theo trong nhiều năm. Đến nay, khi thấy bà con trong vùng dần chuyển đổi tư duy sang trồng, sản xuất cà phê sạch, công ty chị đã như có thành công ban đầu.

Chú thích ảnh
Cà phê Gia Lai từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu trên thị trường quốc tế. 

Theo định hướng phát triển ngành cà phê đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai, các hợp tác xã và doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng vùng canh tác đạt chứng nhận hữu cơ, Rainforest Alliance, Fair Trade, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và các thị trường khó tính khác. Để thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp địa phương đang phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đồng thời thúc đẩy công nghệ chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Đoàn Ngọc Có nhận định, không chỉ Gia Lai mà cả Tây Nguyên cần có định hướng rõ ràng trong phát triển cà phê sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thế giới. Nếu không chuyển đổi kịp thời, nông dân sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua chất lượng và giá trị thương hiệu.

Theo ông Có, để tạo ra sự thay đổi diện rộng, các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ trong sản xuất, từ canh tác đến chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh yếu tố kinh tế, cà phê sạch còn mang ý nghĩa lớn đối với sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường. Việc giảm thiểu hóa chất trong canh tác giúp duy trì hệ sinh thái đất, bảo vệ nguồn nước và tăng cường tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Người trồng cà phê cũng cần tích cực nâng cao nhận thức về vai trò của sản xuất sạch, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng.

Việc phát triển cà phê sạch theo tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn mở ra cơ hội đưa sản phẩm cà phê Gia Lai vươn xa trên thị trường thế giới. Với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và sự chủ động của nông dân, Tây Nguyên đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những vùng sản xuất cà phê sạch hàng đầu Việt Nam.

Bài và ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Cà phê xuất khẩu đạt mức kỷ lục
Cà phê xuất khẩu đạt mức kỷ lục

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cà phê xuất khẩu trong tháng 1 đạt 140.000 tấn, giảm mạnh hơn 40% nhưng giá trị thu về cao kỷ lục với 763 triệu USD, tăng 5%. Nguyên nhân là do giá cà phê trong tháng 1 tăng mạnh và đạt khoảng 5.450 USD/tấn, tăng hơn 78% so với cùng kỳ năm 2024. Mặt khác, giá cà phê thế giới đã có dấu hiệu phục hồi khi nguồn cung từ hai nước sản xuất chính là Brazil và Việt Nam hạn chế bán ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN