Bên lề Quốc hội, đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cho rằng cần có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện bao tiêu sản phẩm cho ngư dân:
Thưa ông, để hỗ trợ ngư dân bám biển, khâu tiêu thụ sản phẩm cần có chính sách như thế nào để có nguồn thu nhập ổn định?
Việc tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân rất quan trọng và Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản như miễn giảm các khoản thuế, kỹ thuật; cũng như hỗ trợ chính sách liên quan liên quan đầu tư vào chế biến thủy sản tiêu thụ cho ngư dân.
Trong tiếp xúc cử tri là ngư dân, việc hỗ trợ dầu cho ngư dân được đánh giá cao. Do vấn đề chủ quyền nên tàu ngư dân Việt Nam thường bị Trung Quốc uy hiếp khu vực tại vùng biển của chúng ta và phải chạy đi chạy lại nên hao tốn dầu và kiến nghị tăng thêm mức hỗ trợ này, cụ thể là tăng 20% mức hỗ trợ xăng dầu theo quyết định 48 của Chính phủ để hỗ trợ thêm cho ngư dân. Từ đó họ có thể điều kiện tổ chức tốt hơn bám biển và bảo vệ chủ quyền.
Chúng ta đã từng có chương trình cho ngư dân vay vốn đánh bắt cá xa bờ nhưng chưa thành công. Có ý kiến cho rằng cần có sự liên kết giữa ngư dân và doanh nghiệp để nâng cao tính hiệu quả đồng vốn, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ ngư dân nhưng tiếp cận nguồn vốn khó do ngân hàng xem xét khả năng trả nợ nên khi cho vay phải có điều kiện nhất định nên tiếp cận nguồn vốn ngư dân là khó.
Do đó, vấn đề hiện nay đặt ra là Nhà nước có sự hỗ trợ qua lại giữa ngư dân và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm bằng cơ chế đó tiếp cận vốn ngân hàng tốt hơn. Các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực chế biến chuyên sâu và cần có hỗ trợ cơ chế chính sách về tài chính để doanh nghiệp chế biến sản phẩm tiêu thụ cho ngư dân
Theo ông, Nhà nước cần bổ sung thêm chính sách gì để ngân hàng yên tâm cho ngư dân vay?
Để giải quyết bất cập này thì có thể giao cho chính quyền địa phương đứng ra bảo lãnh về tín dụng, trong trường hợp xảy ra rủi ro thì bằng cơ chế Chính phủ có hỗ trợ. Còn trong quá trình ngư dân làm ăn hiệu quả sẽ thu lại được nguồn vốn. Chỉ có những trường hợp bất khả kháng mới mất vốn.
Hiện nay có ý kiến cho rằng Nhà nước lấy ngân sách đóng tàu và cho ngư dân thuê lại tàu liệu có phát huy hiệu quả?
Hiện có hai phương pháp hỗ trợ đóng tàu công suất lớn là ngư dân được hỗ trợ vay vốn và ngư dân làm chủ con tàu. Thứ hai là Chính phủ bỏ tiền ra đóng tàu cho ngư dân thuê cũng là giải pháp.
Trong hai phương pháp này thì theo tôi thì hỗ trợ vốn cho người dân đóng tàu tốt hơn là đi thuê. Lý do ngư dân gắn bó với con tàu, họ biết được công năng và nhu cầu thực tế khi ra khơi để có những yêu cầu đóng tàu phù hợp. Họ là chủ trực tiếp của con tàu thì họ sẽ có trách nhiệm tham gia bảo quản đề nghị thiết kế các công năng theo yêu cầu đề ra. Do đó, cơ chế vay được khả thi hơn để ngân hàng mở hầu bao và ngư dân tiếp cận được nguồn vốn.
Xin cám ơn ông!
Xuân Minh (ghi)