Nỗ lực hạn chế thiệt hại cho tàu thuyền trên biển
Tại Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, các sở, ngành chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, thông báo, hướng dẫn các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm, tìm nơi trú tránh bão an toàn; kiểm đếm chặt chẽ, theo dõi, kiểm soát tàu thuyền ra khơi, cấm ra khơi với tàu đã neo đậu trong bến và giữ liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện đang đánh bắt ngoài khơi.
Để chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão, ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, cho biết, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang, bộ đội biên phòng, bộ chỉ huy quân sự tỉnh và lực lượng cứu hộ cứu nạn tại chỗ ở địa phương chuẩn bị sẵn các phương tiện như tàu thuyền, ca nô và quân số để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.
Theo thông tin từ Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Sóc Trăng, tỉnh hiện có 795 phương tiện tàu thuyền đang hoạt động và neo đậu, trong đó có 79 phương tiện đang hoạt động trên biển, trong đó có 60 tàu thuyền đánh bắt xa bờ với 537 thuyền viên, 19 tàu thuyền đánh bắt gần bờ với 74 thuyền viên. Ngoài ra, có 716 phương tiện đang neo đậu. Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các đồn, hải đội đóng quân vùng ven biển kết hợp với các chủ phương tiện thông tin về diễn biến của cơn bão trên Biển Đông để chủ động đề phòng. Các phương tiện đánh bắt xa bờ đã liên lạc thường xuyên với lực lượng trực ban tại đất liền và đang tránh xa vùng nguy cơ bão ảnh hưởng…
Trên đất liền, trong những ngày cuối tháng 12/2018 và đầu tháng 1/2019, tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng liên tục có mưa và gió lớn đã làm ảnh hưởng tới nhiều diện tích lúa và hoa màu của người dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 1.000 ha lúa đang kỳ chín sắp thu hoạch đã bị đổ và ngập nước, hàng chục ha rau màu bị dập, ngập và hàng trăm ha hành tím ở thị xã Vĩnh Châu bị úng ngập, thối dễ, giảm năng suất, có thể thất thu trong vụ Tết Nguyên đán 2019.
Sẵn sàng phương án ứng phó với những tình huống xấu
Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, hầu hết các tàu cá của tỉnh đang đánh bắt thủy sản trên ngư trường đã vào nơi tránh trú bão số 1 an toàn.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chi cục trưởng, Phụ trách Chi cục Thủy sản Kiên Giang, cho biết, số tàu khai thác gần bờ và xung quanh các đảo đã nhận được thông tin về hướng đi của bão, đã vào bờ và các đảo tránh trú an toàn. Hiện tại còn khoảng 5 tàu ở vùng biển Phú Quốc đang trên đường về nơi tránh trú. Các tàu đánh bắt xa bờ trên ngư trường Biển Đông và các vùng tiếp giáp Indonesia, Malaysia, Thái Lan đã về tránh trú bão tại các cảng Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Kênh 3 (Sóc Trăng), Rạch Gốc và Sông Đốc (Cà Mau). Một số tàu chạy về thẳng các cảng, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Còn khoảng 18 tàu ở vùng biển Cà Mau đang trên đường về nơi tránh trú an toàn. Các lồng bè nuôi thủy sản trên biển ở các huyện Kiên Lương, Kiên Hải, Phú Quốc và thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) được gia cố, chằng chống, neo chắn hoặc di dời đến nơi an toàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, Huỳnh Quang Hưng cho biết, đảo Phú Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với những tình huống xấu do bão số 1 gây ra. Cụ thể là những người có trách nhiệm phải trực chiến 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tạm hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung ứng phó với bão, tổ chức lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị phương án di dời dân ra khỏi những căn nhà dễ đổ sập, những vùng có nguy cơ bị thiệt hại do gió bão, nhất là các vùng ven biển, vùng trũng. Đặc biệt, cán bộ các xã Thổ Châu, Hòn Thơm, Hàm Ninh và thị trấn An Thới, nơi có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của bão, có nhiệm vụ tập trung công tác ứng phó, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tránh trú an toàn.