*Ngày 21/12, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã có thông báo hỏa tốc về việc cấm tàu, thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt trên biển để phòng, tránh bão số 14 (Krovanh) suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Sóc Trăng và các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện việc cấm tàu, thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển từ 11 giờ ngày 21/12 cho đến khi có thông báo khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu tăng cường việc cập nhật thông tin, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền; quản lý chặt chẽ việc ra khơi, giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người ở các khu vực ven biển, ven sông, các cù lao có nguy cơ sạt lở, vùng trũng thấp do ảnh hưởng của triều cường.
Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp xuống địa bàn các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; duy trì, bố trí các lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh bố trí, sắp xếp nơi neo đậu cho tàu thuyền an toàn, tránh va đập; tăng cường lực lượng trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và thường xuyên các sự cố xảy ra (nếu có) về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Đến 5 giờ ngày 21/12, tỉnh Sóc Trăng có 438 phương tiện đang hoạt động trên biển với 2.304 thuyền viên. Tất cả các thuyền viên ngoài khơi đã nắm thông tin, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các địa phương tiếp tục tổ chức trực ban theo quy định; chủ động theo dõi và triển khai các biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên biển...
* Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, đến đầu giờ chiều 21/12, Bạc Liêu còn 371 tàu cá với 2.875 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Toàn bộ các tàu trên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và đang được hướng dẫn di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Địa phương đã ra thông báo cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động trên biển để phòng tránh áp thấp nhiệt đới từ 15 giờ ngày 21/12.
Trưa 21/12, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành nhằm triển khai giải pháp ứng phó. Theo đó, tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời kiểm đếm chính xác số tàu thuyền, thuyền viên đang hoạt động trên biển; số tàu và thuyền viên đã vào nơi trú bão. Lực lượng chức năng thông tin thường xuyên về diễn biến của áp thấp nhiệt đới cho các tàu thuyền đang hoạt động ngoài biển để tìm nơi trú tránh an toàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, đơn vị thi công có phương án bảo vệ đê biển Đông, hệ thống cống biển đang thi công.
Sở Công Thương phối hợp với chủ đầu tư đang thi công các dự án điện gió ở khu vực ven biển Bạc Liêu triển khai phương án bảo vệ an toàn người, vật tư, phương tiện thi công. Bên cạnh đó khuyến cáo người dân chủ động bảo vệ diện tích sản xuất lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, dù bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới song các địa phương, đơn vị liên quan vẫn phải tổ chức trực 24/24 giờ nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân khu vực ven biển, nhất là bảo vệ sản xuất vùng nuôi tôm ven biển, công trình dự án điện đang xây dựng.
Toàn tỉnh Bạc Liêu có gần 1.150 tàu cá, với hơn 6.800 thuyền viên thường xuyên hoạt động trên biển; tính đến chiều 21/12, đã có 776 tàu với hơn 4.000 thuyền viên vào nơi neo đậu an toàn. Phần lớn tàu cá của Bạc Liêu hoạt động trên vùng biển Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu.