Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên cho biết, kết quả mẫu xét nghiệm từ đàn lợn chết của một hộ gia đình ở xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Đây là ổ địch đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Ngay sau khi nhận được thông tin dịch bệnh, ông Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai khẩn cấp các giải pháp để dập dịch. UBND huyện Phú Bình đã tổ chức, thành lập các điểm chốt chặn tại khu vực ổ dịch và 2 điểm trên tỉnh lộ 266. Đồng thời, đề nghị các hộ chăn nuôi ký cam kết với chính quyền địa phương thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương tập trung chỉ đạo dập dịch, có các giải pháp khoanh vùng, bao vây, kiểm soát dịch bệnh, tránh để lây lan. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để định hướng dư luận, tránh gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ thịt lợn.
Tại Yên Bái, UBND tỉnh đã có công điện số 01/CĐ-UBND ngày 02/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Yên Bái. Đồng thời, UBND tỉnh đã hỗ trợ trên 1 tỷ đồng mua 6 tấn thuốc sát trùng, bơm tiêm, kim tiêm, phích lạnh để phòng chống dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái đã ra văn bản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trong ngành và yêu cầu các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh hướng dẫn các đơn vị chăn nuôi, hộ gia đình tập trung vào nhiều biện pháp. Đó là, tăng cường chăm sóc, làm tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, khuyến khích và mở rộng các hình thức chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho lợn tránh lây nhiễm chéo. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã huy động toàn bộ lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai khử trùng, tiêm vắc xin từ ngày 5/3 đến hết ngày 30/4.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái còn ra Quyết định số 17/QĐ-SNN ngày 4/3/2019 về việc thành lập tổ công tác hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Hiện tổ công tác này đã tiến hành xuống các địa phương để thực thi nhiệm vụ.
Cùng với ngành nông nghiệp tỉnh, ngành giao thông vận tải Yên Bái yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phổ tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh; kiểm soát, giám sát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến địa bàn tỉnh, các phương tiện vận chuyển xuất phát từ vùng có dịch bệnh tả lợn châu Phi...
Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn huyện đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại thôn 1, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Như vậy, Thiệu Hóa là địa phương thứ 2 sau huyện Yên Định xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm hiện nay.
UBND huyện Thiệu Hóa đã phối hợp với Chi cục Thú Y tỉnh phân công cán bộ thực hiện các biện pháp chống dịch tại xã Thiệu Phúc. Chi cục Thú y tỉnh đã cấp hỗ trợ hơn 800 lít hóa chất, 2 tấn vôi bột, 90 bộ quần áo bảo hộ, 5 máy phun hóa chất, tiêu độc khử trùng. Ngoài ra, UBND huyện Thiệu Hóa đã chủ động mua 2,7 tấn vôi bột, 700 lít hóa chất và 5 bình phun để thực hiện công tác chống dịch.
Huyện đã thành lập 5 chốt kiểm dịch cấp huyện; trong đó, 3 chốt kiểm dịch tại xã Thiệu Phúc và chỉ đạo xã thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để tổ chức kiểm soát 24/24 giờ đối với lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn xã; nghiêm cấm việc kinh doanh, buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn xã Thiệu Phúc.
Ngoài ra, huyện chỉ đạo 28 xã, thị trấn trên địa bàn thành lập chốt kiểm soát dịch và phun độc khử trùng 1 lần/ngày trong tuần đầu tiên phát hiện dịch và 3 lần/tuần đối với 2-3 tuần tiếp theo.