Quy chuẩn này là phần mềm quản lý hoạt động, camera giám sát, truyền dữ liệu về máy chủ của Tổng cục.
Theo đó, trước ngày 31/12/2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến, hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe khách phải đưa phần mềm này vào vận hành.
Các Sở GTVT địa phương cần có văn bản yêu cầu các bến xe khách trên địa bàn thực hiện việc truyền dữ liệu về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (http://benxe.gov.vn) theo định dạng và giao cách thức truyền dữ liệu đã hướng dẫn.
Đối với các bến xe đã có phần mềm, nhưng không truyền dẫn được dữ liệu, đề nghị có kế hoạch điều chỉnh hoặc xây dựng phần mềm thay thế đảm bảo đồng bộ dữ liệu và thực hiện kết nối, truyền dẫn dữ liệu về Tổng cục theo chuẩn dữ liệu và tiêu chuẩn kết nối được quy định.
Các bến xe có yêu cầu xây dựng phần mềm quản lý bến xe mới hoặc cần hỗ trợ điều chỉnh phần mềm hoặc kết nối dữ liệu, thực hiện việc đăng ký với Sở GTVT địa phương hoặc Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước không có thông tin đầy đủ về hoạt động của các bến xe địa phương, mà phải đợi các bến xe báo cáo, nên mất rất nhiều thời gian. Cùng với đó, thống kê bằng phương pháp thủ công có nhiều sai sót, dẫn tới cơ quan quản lý không có con số thống kê chính xác.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng xong phần mềm theo hình thức xã hội hóa và áp dụng thí điểm tại các bến xe trong cả nước.
Phần mềm này hoạt động, thông tin tại bến xe khách sẽ được cập nhật liên tục giữa các bến xe với cơ quan quản lý Nhà nước; tự động tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu, thống kê báo cáo dữ liệu về hoạt động của từng bến, cũng như toàn bộ các bến xe khách trong toàn quốc, gồm; Lịch xe xuất bến, danh sách doanh nghiệp, biển số xe, giá vé và mức chất lượng dịch vụ đã đăng ký...