Buýt nhanh Hà Nội đã sẵn sàng lăn bánh

Ngày 19/12, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với đại diện Ngân hàng Thế giới tổ chức họp với các đơn vị liên quan để nghe phương án chuẩn bị đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên, từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa bắt đầu từ đầu năm 2017.

Một điểm Nhà chờ xe buýt nhanh BRT đã được bàn giao cho Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh - TTXVN.

Đây là sự kiện được chính quyền và người dân mong đợi trong bối cảnh ùn tắc giao thông đang trở thành vấn nạn trên địa bàn Thủ đô. Liệu việc đưa buýt nhanh BRT vào hoạt động có tạo được đột phá trong vận tải hành khách công cộng, hay lại làm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thêm phức tạp?

Giới thiệu phương án vận hành thử tuyến buýt nhanh BRT, từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa, ông Vũ Hà, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư phát triển Giao thông Đô thị Hà Nội cho biết, tuyến buýt này được chạy trên làn đường dành riêng cho xe buýt tại các đoạn Ba La – Quang Trung (Hà Đông) – Lê Trọng Tấn (Hà Đông) – Đường trục Bắc Hà Đông – Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ - Giảng Võ – Nút Giang Văn Minh – Cát Linh. Các đoạn không bố trí làn dành riêng (Xe BRT chạy chung với các phương tiện khác) bao gồm đoạn Yên Nghĩa – Ngã ba Ba La; đoạn Giang Văn Minh – Kim Mã và Kim Mã – Giảng Võ. Bên cạnh đó Sở cũng đã có các phương án điều tiết, hạn chế phương tiện khác dọc hành lang BRT đối với các loại phương tiện khác như taxi, xe tải, ô tô. Trong đó hạn chế dừng đỗ xe trên trục đường hành lang BRT.

Về điều chỉnh mạng lưới tuyến buýt hiện tại để kết nối với tuyến buýt BRT sẽ điều chỉnh lộ trình tuyến buýt số 22 để giảm trùng lặp với tuyến BRT trên trục Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương.

Điều chỉnh 4 tuyến để tăng kết nối, mở rộng vùng phục vụ gồm tuyến vòng gom khách số 9 (Bờ Hồ - Bờ Hồ) để kết nối với tuyến BRT tại điểm đầu cuối tại nhà chờ Vũ Ngọc Phan, tuyến vòng gom khách số 18 để kết nối với tuyến BRT tại điểm đầu cuối tại nhà chờ Kim Mã, điều chỉnh một số lượt tuyến 19 mở rộng vùng phục vụ tới công viên Thiên Đường Bảo Sơn, khu đô thị Đường Nội để gom khách cho tuyến BRT, điều chỉnh lộ trình tuyến buýt 50 để tăng cường kết nối với tuyến BRT và giảm trùng lặp với tuyến 22 sau khi điều chỉnh khỏi hành làng tuyến BRT.

Tổ chức điều chỉnh điểm dừng đỗ các tuyến buýt qua các đường ngang nhằm kết nối với tuyến BRT tạo thuận lợi cho hành khách chuyển tuyến.

Với giá vé chỉ 7.000 đồng/lượt, giống như buýt thông thường, đặc biệt miễn phí vé cho hành khách trong thời gian vận hành 1 tháng từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/1/2017, tuyến buýt BRT đang được người dân trông đợi như một cứu cánh khi tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra hàng ngày.

Theo phương án, tuyến buýt nhanh bắt đầu vận hành từ 5 giờ sáng đến 22 giờ tối, ngày thường cứ 5 -10 - 15 phút/lượt còn chủ nhật 7 – 10 - 15 phút/lượt. Cự ly tuyến là 14,77km.

Bà Jung Eun Oh, Trưởng Ban Giao thông Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đồng Giám đốc dự án bày tỏ sự tin tưởng về hiệu quả của tuyến buýt này trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân.

 “Tắc nghẽn giao thông đang là vấn đề nghiêm trọng tại Hà Nội và để giải quyết tình trạng này rất khó khăn, trong bối cảnh phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh. Và giải pháp đã được chứng minh tại các thành phố lớn trên thế giới nhằm giảm ùn tắc giao thông là phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Tuyến BRT đầu tiên trong mạng lưới giao thông đô thị Hà Nội triển khai trong vài năm tới sẽ phát huy tốt hơn khi kết nối với tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm và các tuyến BRT khác. Để tuyến này hoạt động thành công cần sự ủng hộ của người dân. Bên cạnh đó cần đảm bảo chất lượng dịch vụ và hành lang cho tuyến buýt hoạt động an toàn. Các sở ngành lắng nghe phản hồi của người dân trong quá trình sử dụng để tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ”, bà Bà Jung Eun Oh nói .

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng tuyến BRT này vẫn còn hạn chế là chưa đảm bảo thực hiện đồng bộ mục tiểu đề ra. Trong giai đoạn vận hành thí điểm trong năm 2017, các thiết bị phụ trợ, thông tin hành khách trên tuyến và việc kết nối làn sóng xanh ưu tiên xe BRT, hệ thống vé tự động sẽ tiếp tục được rà soát và đầu tư đồng bộ đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của tuyến BRT một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng Công an thành phố tiếp tục đánh giá tình trạng thực tế giao thông trên tuyến để từng bước hoàn thiện phương án tổ chức giao thông và phương án tổ chức vận hành trên tuyến phù hợp tình hình thực tế, hạn chế ảnh hưởng đến sự đi lại của người dân trong khu vực.

Với việc đưa tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội vào hoạt động từ đầu năm 2017, Việt Nam là quốc gia thứ 8 trong khu vực Đông Nam Á triển khai BRT.

Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã có tổng đầu tư của dự án là trên 1.100 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Khởi công đầu năm 2013, ban đầu dự kiến khai thác vào quý II/2015. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án đã chậm tiến độ 2 năm và đến đầu năm 2017 mới được đưa vào hoạt động.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tuyến buýt nhanh BRT có 44 điểm dừng (cả 2 chiều) phục vụ đón trả khách. Để tăng cường khả năng kết nối, tạo thuận tiện cho hành khách chuyển tuyến sẽ điều chỉnh, di chuyển 10 điểm dừng và bổ sung 10 điểm cho 2 chiều vận hành.

Lộ trình của tuyến xe buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội gặp phải một thách thức là tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông dày đặc, có những điểm đen thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đây cũng là điều mà nhiều người dân lo lắng khi Hà Nội đưa tuyến buýt nhanh BRT vào hoạt động.

Chính vì vậy cần có sự chuẩn bị hạ tầng kỹ lưỡng để xe buýt BRT khi đưa vào khai thác đạt được các tiêu chí nâng cao chất lượng phục vụ với thời gian chính xác và đi nhanh hơn xe buýt thường, đáp ứng niềm mong đợi của người dân Thủ đô về một phương tiện vận tải hành khách công cộng chất lượng cao.
 
Tuyết Mai (TTXVN)
Toàn cảnh xe buýt nhanh trước ngày vận hành chính thức
Toàn cảnh xe buýt nhanh trước ngày vận hành chính thức

Với việc đưa tuyến xe buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội vào hoạt động từ tháng 1/2017, Việt Nam là quốc gia thứ 8 trong khu vực Đông Nam Á triển khai BRT.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN