Về câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phòng chống tin giả, tin xấu độc, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Các thông tin xấu giống như không khí, khi tin xấu lan tỏa nhiều tức là không khí bị vấy bẩn. Không khí bẩn tác động vào phổi, còn thông tin xấu độc, tin giả tác động hàng ngay vào não. Việc ngăn chặn thông tin xấu độc có nhiều khó khăn khi lực lượng chuyên trách là Bộ TTTT, Bộ Công an còn mỏng. Trong khi một người Việt Nam hiện có nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội.
“Chúng ta đã nâng tầm xử lý tin giả từ mức Thông tư lên Nghị định. Trong đó, quy định rõ hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan và thời gian mà nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật xấu độc từ 48 tiếng xuống 24 tiếng, có những thông tin đặc biệt là trong 3 tiếng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời.
Mức phạt về đưa thông tin giả ở Việt Nam đã tăng lên 3 lần, nhưng chỉ bằng khoảng 1/10 so với các nước ASEAN. Do đó, Bộ TTTT sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét đưa mức xử phạt lên mức răn đe, ít nhất cũng ngang bằng mức trung bình của các nước trong khu vực.
Về giải pháp căn cơ, vấn đề quản lý thông tin giả, xấu độc ở đời thực ra sao thì lên không gian mạng cũng phải như vậy. Các Bộ, ngành, địa phương quản lý lĩnh vực nào thì trên không gian mạng cũng phải quản lý thông tin đó. Tiếp đó là các doanh nghiệp, nhà trường, thậm chí từng gia đình.
Bộ TTTT đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa thông tin kỹ năng số vào đào tạo từ sớm để tạo ra sức đề kháng trên mạng. Bộ cũng có hệ thống giám sát thông tin mạng quốc gia để chủ động rà quét, gỡ thông tin xấu độc, sau đó mới đến câu chuyện toàn dân tham gia ngăn chặn, chống lại thông tin giả mạo, xấu độc. Bộ TTTT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế, xử lý tình trạng phát tán, lan truyền tin giả, thông tin xấu độc; như: Ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; chủ động rà quét, theo dõi, đo lường, phát hiện các nguồn tin giả, thông tin xấu độc, các vấn đề nóng dư luận quan tâm để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn.
Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm.
Từ năm 2018 - 2019, Facebook đã phải gỡ 311 tài khoản giả mạo, hơn 12.638 bài viết sai sự thật, bôi nhọ uy tín các tổ chức, cá nhân, thương hiệu; 484 fanpage quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng; 2.476 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp…