Bộ TT&TT đề 3 giai đoạn để xử lý vấn đề SIM rác.
Giai đoạn thứ nhất, tất cả các thuê bao không có đầy đủ thông tin sẽ bị xóa khỏi hệ thống. Năm 2018, Việt Nam vẫn còn 22 triệu thuê bao không có thông tin đầy đủ. Tuy nhiên đến năm 2022, không còn SIM nào là không có dữ liệu.
Giai đoạn 2, đối với việc thông tin thuê bao có chính xác thông tin hay không, thì hiện nay các nhà mạng đang tiến hành đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Hiện các nhà mạng đã đối soát được khoảng 25% lượng thuê bao. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cơ bản trong năm nay, muộn nhất là đến đầu năm 2023 các dữ liệu này phải chính xác. Tuy nhiên, qua xử lý thì phát hiện 90% thông tin chính xác còn 10% SIM thông tin không đúng.
Giai đoạn 3 là xử lý SIM chính chủ. Theo thống kê của Bộ TT&TT, hiện có tới 5.710 cá nhân sở hữu hơn 100 SIM và có 261 cá nhân sở hữu hơn 1.000 SIM trên cả nước. Do đó, thời gian tới sẽ quy định xử lý với những SIM không chính chủ này. Nếu xử lý xong vấn đề này, Việt Nam sẽ ngăn chặn được đáng kể việc dùng số điện thoại để lừa đảo.
Bộ TT&TT cũng đã thanh tra toàn diện các doanh nghiệp viễn thông về vấn đề SIM và có công văn nhắc nhở trực tiếp từng Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc của các doanh nghiệp viễn thông. Bộ trưởng đã ký hai công văn nhắc nhở và quy định là đến lần nhắc nhở thứ ba thì sẽ xem xét trách nhiệm của Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT các công ty viễn thông.
Khi SIM được định danh, khi có phản ánh cuộc gọi rác, lừa đảo thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp danh tính và sẽ xử lý trách nhiệm triệt để hơn.