Nhân dịp kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã dành cho báo Tin tức cuộc trò chuyện ý nghĩa về vai trò của báo chí Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Xin Cục trưởng đánh giá về hiệu quả của hệ thống báo chí, tuyên truyền trong việc phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua?
Trong thời gian 1,5 năm bùng phát dịch COVID-19, đánh giá chung, các cơ quan báo chí đã rất tích cực tham gia đưa tin cập nhật về dịch bệnh. Có thể khẳng định, đây là đề tài lớn nhất và kéo dài trong suốt 1,5 năm qua với nhiều cơ quan báo chí. Tin tức về COVID-19 có lúc chiếm tỷ lệ hơn 40% tổng lượng thông tin trên báo chí.
Các thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 gồm thông tin ứng phó với dịch bệnh, các kỹ năng sống an toàn trong dịch bệnh, ảnh hưởng của đại dịch tới nền kinh tế, các chính sách của Đảng và Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, những câu chuyện về doanh nghiệp tự vượt khó để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh… Về bản chất, có những tin bài không gắn trực tiếp đến dịch bệnh, nhưng vẫn phản ánh các vấn đề trong 1 xã hội, 1 thế giới chịu ảnh hưởng từ đại dịch này
Nhìn chung, các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên đã vào cuộc hết mình, không quản ngại khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa thông tin cập nhật về COVID-19. Nhận xét này không chỉ của Cục Báo chí, mà của cả lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông. Cao hơn nữa là Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng luôn nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông trong việc hỗ trợ phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.
Không chỉ thế, báo chí còn “trưởng thành” dần trong công tác thông tin về dịch bệnh, qua mỗi đợt dịch bệnh bùng phát. Phóng viên và dư luận xã hội nhìn nhận về dịch giờ đây đã bình tĩnh hơn. Trước đây, cũng có lúc một số bài báo đưa tin đưa tin quá nhanh về một vài ca nghi nhiễm, hoặc suy diễn thái quá về nguy cơ dịch tễ khi chưa có khẳng định của cơ quan chức năng, tạo ra sự hoang mang trong xã hội. Nhưng gần đây, phóng viên đã được cọ xát với thực tế phức tạp của công tác phòng chống dịch, hiểu thêm về cách thức và liều lượng đưa thông tin, nên đã có thể đưa tin một cách cân bằng, khách quan, không làm “nóng” vấn đề, đưa đúng và trúng bản chất của vấn đề.
Hoặc đơn cử như trước đây, ngành y tế và báo chí đưa công khai lịch trình di chuyển của bệnh nhân, làm ảnh hưởng đời sống bản thân và gia đình họ, tạo sức ép xã hội lớn, trong khi họ đang là bệnh nhân. Trong khi đó, nhiều người bệnh cũng không phải là thủ phạm của việc làm lây nhiễm bệnh. Việc đưa tin như vậy đã vi phạm thông tin bí mật cá nhân của họ. Gần đây, việc đưa thông tin lịch trình bệnh nhân đã có điều chỉnh từ phía Bộ Y tế, bản thân báo chí cũng có những điều chỉnh. Rõ ràng, qua những lần như vậy, việc đưa tin cũng dần chuyên nghiệp và tiến đến sự hài hòa và xác định là phải sống chung lâu dài với dịch.
Đến thời điểm này, chúng ta đều nhìn nhận rõ giải pháp căn cơ và lâu dài của phòng dịch COVID-19 là vaccine, để đạt miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, phải vừa chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tiếp tục phát triển. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ đạt một mục tiêu về chống dịch, còn lại sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tạo thành hệ lụy xã hội lâu dài.
Báo chí khi đưa tin cũng phải nắm được vấn đề này, để đảm bảo thông tin của mình có tính định hướng xã hội, góp phần hỗ trợ Chính phủ trong cuộc chiến lâu dài này. Và thời gian gần đây, đã có thể thấy rõ sự trưởng thành như đã nói ở trên của báo chí, khi mà thông tin về công tác phòng chống dịch, đến thông tin về các chỉ đạo mang tầm vĩ mô… đều đã thể hiện được tầm nhìn bao quát của Đảng, Nhà nước trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế, thể hiện cách nhìn vấn đề tổng thể, không phiến diện.
Thời gian qua, Cục Báo chí đã luôn định hướng, đồng hành, hỗ trợ hiệu quả báo chí trong công tác thông tin nói chung và thông tin về dịch bệnh nói riêng. Với tình hình mới về dịch COVID-19, những đổi mới trong công tác chỉ đạo thông tin là gì, thưa ông?
Các thông tin chuyên môn sâu, mang tính định hướng chính thức về phòng chống dịch COVID-19 thuộc trách nhiệm của ngành y tế. Ngành y tế là ngành phát ra thông tin gốc, thông tin nguồn quan trọng về tình hình dịch bệnh và phương pháp ứng phó, hoặc tiến độ, tiến bộ về dịch bệnh.
Còn với Cục Báo chí, chúng tôi thực hiện chức năng cùng các cơ quan báo chí tham gia thông tin tình hình dịch bệnh,. Báo chí của chúng ta cũng là một phần của binh chủng truyền thông trong cuộc chiến chống dịch này. Với tinh thần chống dịch như chống giặc thì truyền thông cũng là một mặt trận.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục Báo chí đồng hành cùng các cơ quan báo chí để làm tốt thông tin tuyên truyền, định hướng thông tin trong xã hội, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đưa ra: “Vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế”, không để nghiêng quá về một vế nào.
Thời gian qua, dù đã có chỉ đạo của Chính phủ, nhưng tâm lý lo ngại trước nguy cơ dịch lây lan đã khiến cho một số địa phương vẫn thiên về những ưu tiên cho chống dịch trước, mà tạm “hy sinh” những mối quan tâm cho phát triển kinh tế, coi đây là việc sẽ “tính sau”. Có hiện tượng chống dịch thái quá, gây ra tình trạng ngăn sông cấm chợ, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại, nhất là người dân không thuộc nhóm nguy cơ. Đơn cử như khi dịch bệnh bùng phát ở TP Hồ Chí Minh vừa qua; đã có tới 25 tỉnh, thành yêu cầu hạn chế, cách ly người đến từ TP Hồ Chí Minh. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đảo lộn sinh hoạt của nhiều người. Rất may là vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chấn chỉnh những cách làm như thế này.
Lúc này, vai trò của báo chí là phải tuyên truyền được chủ trương, chính sách của Chính phủ; để chính quyền địa phương, người dân đều thấy rõ được mục tiêu chống dịch lâu dài; hạn chế được những việc chống dịch không phù hợp như trên. Đồng thời phát hiện được những bất cập đó để phản ánh, giúp các cơ quan quản lý có thể có những điều chỉnh trong chỉ đạo.
Bình thường, ngành y tế là đầu mối và chịu trách nhiệm, nhưng trên thực tế phòng chống dịch tại địa phương rất đa dạng, có nhiều vấn đề phát sinh… Những người điều tiết thông tin phải nhìn thấy vấn đề đó. Nhưng tin tức báo chí không chỉ là về tình hình dịch bệnh, mà cả vấn đề phát sinh từ thực tế cuộc sống đang bị dịch bệnh làm cho đảo lộn. Hoặc góp thêm tiếng nói về những khía cạnh khác có đóng góp rất quan trọng để phòng chống dịch, nhưng đã có lúc ít được quan tâm. Đơn cử, trong những giải pháp hỗ trợ phòng chống dịch, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn chưa được tuyên truyền đúng mức. Có người cho rằng công nghệ chưa hoàn thiện, nhưng công nghệ phải được sử dụng nhiều thì mới có thể phát huy giá trị và được chỉnh sửa theo nhu cầu và đòi hỏi của xã hội… Do đó, việc tuyên truyền cho công nghệ, cho vaccine và cho những giải pháp phòng chống dịch căn cơ khác cần được đẩy mạnh. Trong khi theo như quan sát của chúng tôi, thì tỷ lệ những thông tin này lại chưa cao.
Cục Báo chí có công cụ để đo quét thông tin trên không gian mạng để biết thông tin về dịch bệnh hiện đang “thiên” về hướng nào; từ đó có sự tham gia điều chỉnh phù hợp, qua đó, góp phần hiệu quả vào cuộc chiến chống dịch bệnh.
Mới đây nhất, được sự quan tâm của Chính phủ theo tinh thần của Nghị quyết 84, nhiều cơ quan báo chí đã nhận được sự hỗ trợ cho công tác thông tin phòng chống dịch Covid-19 theo hình thức đặt hàng từ Nhà nước Hy vọng, việc đặt hàng này sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm báo chí thật sự hiệu quả, có tác dụng tích cực trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19 của Việt Nam.
Xin trân trọng cám ơn ông!