Cây gãy đổ trên đường Láng trong cơn bão số 1 vừa qua. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, số cây do chủ đầu tư dự án tự trồng là 3.079 cây, trong đó có nhiều cây bị gẫy, đổ do bão số 1, được triển khai trồng ở nhiều dự án khác nhau.
Đơn cử tại quận Hà Đông, có hai tuyến đường: Nguyễn Văn Trỗi và Trần Phú, do chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Hà Đông, đơn vị thực hiện trồng là công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Đông.
Với tuyến đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án quận cầu Giấy, đơn vị thi công là liên danh UDIC và LIDEC02 (Dự án này được hoàn thành năm 2010 dịp 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội).
Đối với những đơn vị, doanh nghiệp trồng cây chưa đúng quy trình kỹ thuật, gây đổ, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất UBND thành phố Hà Nội, kiểm điểm trách nhiệm của Ban quản lý dự án quận Hà Đông và Cầu Giấy về việc giám sát, quản lý các đơn vị trồng cây.
Để đảm bảo cảnh quan cũng như khắc phục cây đổ, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các đơn vị trồng cây nêu trên tiếp tục trồng lại những cây còn đủ điều kiện sinh trưởng, trên cơ sở đào lại hố, bổ sung đất màu, cắt tỉa cành lá và gông, chằng chắc chắn, nhằm đảm bảo cây sống và phát triển.
Theo ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, để hạn chế cây đổ do bão, gió trong thời gian tới, cơ quan này sẽ xin ý kiến các nhà khoa học tiếp tục đưa ra chủng loại cây trồng ở đô thị phù hợp hơn, đồng thời ban hành quy trình các bước trồng cây xanh đô thị.
Mặt khác, về công tác quản lý, trồng, chăm sóc cây cũng được quy về một đầu mối, thay vì phân cấp cho các quận, huyện như hiện nay.
Ngoài việc chưa tuân thủ nghiêm các quy định về trồng cây của một số đơn vị, doanh nghiệp thì thực tế cho thấy, hiện nay Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ các khu đô thị, công trình cao ốc, khiến cho cây xanh bị hiện tượng thiếu ánh sáng, dẫn tới phát triển cong nghiêng, dễ gây đổ.
Thêm nữa, các công trình ngầm ở Hà Nội cũng làm cho rễ cây không phát triển được bình thường, do hay bị chặt đứt vì vướng phải sự đào bới, chỉnh trang hè phố, lòng đường.