Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoa XIV hoàn thành nhiều nội dung quan trọng
Tuần qua, một trong những sự kiện chính trị - xã hội được đông đảo cử tri cả nước quan tâm là phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV tổ chức chiều 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Tại phiên bế mạc, Quốc hội biểu quyết thông qua một số Nghị quyết: Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Quốc hội đã nghe phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sau 20 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7 với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thiết thực trong hoạt động của đại biểu Quốc hội; Chương trình làm việc được bố trí hợp lý, có sự điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu thực tế, bảo đảm đúng nguyên tắc; Không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm, xây dựng;... Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm, nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị kỳ họp; đồng thời, ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội.
Kết quả của kỳ họp Quốc hội cho thấy, hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống. Quốc hội bày tỏ lòng cảm ơn đối với sự tin tưởng, quan tâm, chia sẻ của đồng bào, cử tri cả nước và mong muốn tiếp tục nhận được sự giám sát chặt chẽ, sự đóng góp ý kiến thẳng thắn, xây dựng để Quốc hội nói riêng, bộ máy nhà nước nói chung hoạt động thực sự có hiệu lực và hiệu quả.
Hai phi công hy sinh trong vụ máy bay quân sự bị rơi
Tuần qua, một trong những thông tin khiến dư luận bàng hoàng là vụ rơi máy bay quân sự tại Khánh Hoà.
Vào lúc 9 giờ 35 phút ngày 14/6, trong khi huấn luyện bay, máy bay IAK - 52 thuộc Trung đoàn Không quân 920, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân gặp sự cố bất ngờ trên không dẫn đến tai nạn bay tại địa bàn thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Tai nạn khiến hai phi công hy sinh là Đại úy Lê Xuân Trường và Trung sỹ Đào Văn Long.
Sau khi hai phi công hy sinh, Bộ Quốc phòng truy thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá cho đồng chí Lê XuânTrường; truy phong quân hàm Thiếu uý cho đồng chí Đào Văn Long.
Thông tin từ Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Trường Sĩ quan Không quân và gia đình cho biết: Lễ viếng hai phi công hy sinh trong vụ máy bay rơi sẽ được tổ chức từ 9 giờ đến 11 giờ, ngày 16/6/2019 (tức ngày 14/5 năm Kỷ Hợi) tại Nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa (số 19, đường Yersin, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Lễ truy điệu và đưa tang hồi 11 giờ 20 phút, ngày 16/6/2019; Hỏa táng tại Nhà hỏa táng phía Bắc (xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa); an táng tại nghĩa trang quê nhà, hồi 15 giờ 30 phút, ngày 17/6/2019.
Bác sĩ Hoàng Công Lương xin được giảm án
Tuần qua, phiên toà phúc thẩm vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương đã kết thúc phần tranh luận giữa Viện kiểm sát nhân dân với các luật sư. Các bị cáo đã nói lời sau cùng trước khi toà nghị án.
Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Công Lương xin được giảm án, không cách ly ra khỏi xã hội để lấy công việc chuyên môn chuộc lại lỗi lầm. Theo bị cáo Lương, các nạn nhân trong sự cố chạy thận đã có thời gian dài gắn bó với đơn nguyên lọc máu; bị cáo và các cán bộ, y, bác sĩ trong đơn nguyên coi sự mất mát của bệnh nhân cũng là nỗi đau của chính mình; phiên toà phúc thẩm lần này giúp cho bị cáo nhận ra nhiều điều trong các quy định của pháp luật cũng như ý thức được trong cuộc sống, xã hội. Hành vi của bị cáo phần lớn là do yếu tố khách quan.
Bị cáo Hoàng Công Lương mong muốn được tiếp tục tham gia công tác điều trị, bản thân bị cáo cũng có vấn đề về sức khoẻ, cần phải theo dõi đặc biệt. Bị cáo Lương cũng gửi lời tri ân đến báo chí, những người đã ủng hộ bị cáo, cảm ơn luật sư, Hội đồng xét xử đã có những phán quyết, nhân văn, đúng pháp luật...
Bị cáo Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình mong muốn, cơ quan chức năng tiếp tục có những hội thảo khoa học để làm rõ nguyên nhân cái chết, cách xử lý đối với các sự cố chạy thận tương tự sự cố đã xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác để họ có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn - đơn vị cho thuê máy lọc thận, ký hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình vẫn băn khoăn về nguyên nhân cái chết của 9 bệnh nhân. Theo bị cáo Tuấn và luật sư bào chữa, nguyên nhân cái chết của 9 bệnh nhân trong sự cố chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là chưa rõ ràng. Kết luận của cơ quan giám định, Viện Khoa học hình sự thì nguyên nhân cái chết là do ngộ độc florua. Tuy nhiên, trong bản án, nguyên nhân cái chết là do tồn dư chất HF - một hợp chất bị cáo Bùi Mạnh Quốc dùng để sục rửa hệ thống lọc nước RO.
Theo nội dung kháng cáo, bác sĩ Hoàng Công Lương xin cấp phúc thẩm tuyên giảm nhẹ hình phạt và mong được hưởng án treo. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng án về phần án treo và tuyên bị cáo Lương mức án từ 36-39 tháng tù giam.
Dự kiến, Tòa sẽ tuyên án vào 8h ngày 19/6.
Vietjet Air hoãn và hủy hàng loạt chuyến bay
Trong các ngày 14-15/6, Vietjet Air liên tục hoãn và hủy hàng loạt chuyến bay, khiến nhiều hành khách bất bình.
Trước sự việc này, Cục Hàng không Việt Nam đã cử đoàn công tác vào Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Vietjet Air điều phối lịch bay.
Đại diện Hãng hàng không Vietjet Air thông tin, trong hai ngày 14 và 15/6, do ảnh hưởng của việc trễ kế hoạch nhận tàu bay mới và nguyên nhân khai thác, một số chuyến bay của Vietjet Air đã phải điều chỉnh thời gian khởi hành.
Để giảm tác động của việc này, Vietjet Air đã khẩn trương điều chỉnh lịch bay, thuê ướt tầu bay (thuê máy bay kèm theo phi công, tiếp viên, dịch vụ bảo dưỡng, bảo hiểm) để phục vụ nhu cầu của khách. Tuy nhiên do thời gian giao tàu của nhà sản xuất và đối tác cho thuê ướt tiếp tục trễ nên vẫn làm ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của hãng. Một số chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.
Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng được hãng hỗ trợ chuyển chuyến bất kỳ miễn phí trong tháng 6, hoàn vé theo nhu cầu và hỗ trợ chi phí bồi thường thiện chí theo quy định.
Về thông tin nguyên nhân Vietjet Air phải hoãn và hủy hàng loạt chuyến bay trong các ngày 14 và 15/6 là do phi công Vietjet Air đồng loạt nghỉ việc, đại diện Truyền thông Vietjet Air khẳng định việc hoãn, điều chỉnh lịch bay không liên quan đến việc đình công của phi công.
Tổng kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc
Các vụ gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nổi cộm lên mới đây là hành vi pha trộn xăng của Trịnh Sướng cùng các đối tượng là tiền đề cho đợt tổng kiểm tra các cửa hành xăng dầu trên toàn quốc.
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Trong thời gian tới sẽ tổng kiểm tra hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước. Vậy, Tổng cục sẽ phối hợp và chỉ đạo kiểm tra các cửa hàng xăng dầu như thế nào?
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, việc kiểm tra kiểm soát mặt hàng xăng dầu được lực lượng quản lý thị trường triển khai từ các năm trước. Đặc biệt trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 tại các địa phương lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra về lĩnh vực này. Trước đó, Ban chỉ đạo quốc gia 389 cũng đã có kế hoạch chuyên đề về đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu vì đây là mặt hàng rất quan trọng.
Tuy nhiên, lần này Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra nguồn gốc xăng dầu có nhập lậu hay không và điều kiện kinh doanh có đúng giấy phép hay không.
Tổng cục Quản lý thị trường có kế hoạch kiểm tra mang tính đột xuất, tập trung vào hai vấn đề là thương nhân đầu mối được cấp phép tiêu chuẩn chất lượng và xăng dầu nhập lậu có đủ giấy phép kinh doanh hay không.
Theo đó, địa bàn kiểm tra sẽ không được thông báo trước và Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp mời thêm các đơn vị chức năng như Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Vụ Thị trường trong nước và các lực lượng phía địa phương để kiểm tra thêm về tiêu chuẩn vầ đo lường chất lượng xăng dầu. Bởi, thời gian gần đây chất lượng xăng dầu giả đang nổi lên đã tác động xấu đến thị trường và người tiêu dùng.
Hình thức xử phạt đã được quy định rõ trong các văn bản vi phạm pháp luật. Chẳng hạn như vi phạm liên quan đến điều kiện kinh doanh như giấy phép hết hạn hay an toàn về phòng cháy chữa cháy, kinh doanh xăng dầu nhập lậu…đều có những chế tài cụ thể.
Hơn nữa, qua đợt tổng kiểm tra tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm soát cụ thể chi tiết hơn để đảm bảo hệ thống phân phối xăng dầu từ thương nhân đến tổng đại lý và cây xăng phải đảm bảo đúng điều kiện quy định của pháp luật.