'Bay' hàng trăm triệu đồng sau điều trị siêu vi khuẩn kháng thuốc

Sau khi điều trị siêu vi khuẩn kháng thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Nguyễn Minh Hải(*), Hà Nội đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Tuy nhiên, số tiền viện phí phải thanh toán lên đến gần 400 triệu đồng.

Điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.

Khó chẩn đoán, chi phí điều trị cao


GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Theo nhiều nghiên cứu, Việt Nam có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Đáng nói, trước kia Việt Nam chỉ phát hiện vi khuẩn chỉ kháng một số loại thuốc nhưng nay đã xuất hiện vi khuẩn siêu kháng thuốc, tức là kháng mọi loại kháng sinh.


Thực tế, tại khoa Hồi sức tích cực đã từng điều trị cho một trường hợp siêu kháng thuốc. Đó là bệnh nhân Nguyễn Minh Hải, Hà Nội.


Trước khi được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Minh Hải mắc bệnh đái tháo đường, bị nhiễm trùng nặng sau nhiều lần phẫu thuật tại nhiều bệnh viện khác nhau. Nhưng vấn đề cơ bản là dù đã rất cố gắng song các bác sĩ vẫn không tìm ra nguyên nhân gây bệnh.


Chỉ khi được chuyển cấp cứu đến khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, sau nhiều nỗ lực thì các chuyên gia mới phát hiện bệnh nhân Hải mang vi khuẩn siêu kháng thuốc.


Rất may, trước đó, các bác sĩ đã nghĩ tới khả năng xấu nên chủ động đưa bệnh nhân vào phòng cách ly nghiêm ngặt ngay từ khi mới vào viện. Trong suốt quá trình điều trị, chỉ những nhân viên y tế được phép mới có thể ra, vào phòng bệnh. Tất cả mọi trang bị phòng hộ, quần áo, găng, mũ.... sau khi vào bệnh phòng, nhân viên y tế buộc phải cởi bỏ, tiêu hủy…


"Việc điều trị và phòng chống lây nhiễm cho những bệnh nhân khác vô cùng phức tạp, tốn công sức và tiền của. Qua nhiều lần hội chẩn, chúng tôi quyết định dùng kháng sinh phối hợp liều cao nhằm "đánh nhanh, đánh trúng" vi khuẩn. Sau 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã thoát khỏi sự nguy hiểm nhưng chi phí điều trị lớn, khoảng 300 - 400 triệu đồng", GS.TS Nguyễn Gia Bình chia sẻ.

Để chống nhiễm khuẩn, riêng chi phí mua nước rửa tay tại khoa Hồi sức tích cực hết khoảng 10 triệu đồng/ngày.

Để giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về hậu quả của tình trạng kháng thuốc, GS. TS Nguyễn Gia Bình dẫn nhóm phóng viên “thị sát” bệnh phòng, tiếp xúc với một số bệnh nhân đang điều trị.


Lúc này, nằm ở phía cuối buồng bệnh, bệnh nhân Nguyễn Quốc Hưng, 40 tuổi ở Hưng Yên, vẫn đang trong tình trạng mê man do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Nguyên nhân cũng vì mang vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.


Theo TS Nguyễn Công Tấn, sau khi trích nhọt ở phần cạnh hậu môn, bệnh nhân Hưng bị sốt cao liên tục, ý thức xấu dần và suy hô hấp nên phải vào khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hưng Yên nhưng điều trị không khỏi.


Khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân ở trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nguy cơ tử vong rất cao. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, bệnh nhân được điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân dần được cải thiện.


Theo bác sĩ điều trị, với bệnh nhân mang vi khuẩn kháng nhiều loại thuốc như bệnh nhân Hưng, riêng tiền kháng sinh khoảng gần chục triệu đồng/ngày. Cộng thêm chi phí lọc máu và một số khoản khác thì tiền viện phí hết khoảng 20 triệu đồng/ngày.


“Chúng tôi gặp khá nhiều bệnh nhân kháng kháng sinh ngay khi vào viện. Chứng tỏ họ đã tiếp xúc với môi trường vi khuẩn kháng kháng sinh hoặc có tiền sử sử dụng rất nhiều loại kháng sinh, khiến vi khuẩn kháng lại kháng sinh đó”, BS Nguyễn Công Tấn cho biết.


Nguy cơ hết thuốc điều trị


GS.TS Nguyễn Gia Bình chia sẻ, điều đáng lo ngại nhất là không riêng gì Bệnh viện Bạch Mai mà ở một vài bệnh viện khác cũng đã báo cáo về chủng vi khuẩn siêu kháng thuốc.


Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong quá trình điều trị cho bệnh nhân mà còn đòi hỏi phải chủ động đối phó với việc ngăn chặn không để vi khuẩn siêu kháng thuốc lây lan sang bệnh nhân khác hoặc ra cộng đồng. Đặc biệt, nếu không có sự ngăn chặn hữu hiệu từ cộng đồng và cơ quan chức năng, các chuyên gia y tế còn lo ngại về nguy cơ hết thuốc điều trị trong tương lai.


"Gần đây, tốc độ tìm ra kháng sinh mới ngày một ít dần đi do khó khăn trong công tác nghiên cứu và rất tốn kém. Vì vậy, các nước đều quản lý chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh, chỉ bán thuốc khi có đơn thuốc do bác sĩ kê", GS.TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.


Nhưng tại Việt Nam, người dân đang sử dụng kháng sinh rất cẩu thả, một số bác sĩ cũng lạm dụng khi kê toa. Bên cạnh đó, kháng sinh còn sử dụng bừa bãi trong chăn nuôi, tình trạng lây chéo do quá tải bệnh viện cũng là nguyên nhân gia tăng sự lây lan vi khuẩn kháng kháng sinh.

Rửa tay thường xuyên là một biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả.

Để kiểm soát tình trạng kháng kháng sinh, GS.TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh, quan trọng là không được lạm dụng kháng sinh cho người và tuyệt đối không cho vào thức ăn chăn nuôi.


Tại các cơ sở y tế cần có chiến lược quản lý kháng sinh, điều tra dịch tễ, tránh nhiễm khuẩn từ nguồn nước, không khí, bể mặt sàn nhà... Quan trọng nhất là các y, bác sĩ cần duy trì thói quen rửa tay trước và sau khi chăm sóc người bệnh. Đặc biệt, phải có lực lượng giám sát phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện vì chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn.


“Ở Nhật Bản, hầu như không có bệnh nhân mắc bệnh tiêu hóa vì vòi rửa tay có ở khắp nơi , người dân sở tại rất ý thức được việc thường xuyên rửa tay để phòng bệnh. Nhưng ở Việt Nam, người dân lại không có thói quen này, trong khi đây là biện pháp phòng bệnh rất đơn giản, hiệu quả”, GS.TS Nguyễn Gia Bình chia sẻ.


(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Bài và ảnh: Phương Liên/Báo Tin Tức
Báo động tình trạng lao siêu kháng thuốc
Báo động tình trạng lao siêu kháng thuốc

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng chống bệnh lao. Tuy nhiên, nước ta vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao trong khi hoạt động phòng chống lao còn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị cao, gia tăng tình trạng lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN