Hiện nay, việc bảo tồn, sử dụng, khai thác nguồn gen đã được thực hiện theo 2 cấp quản lý là cấp nhà nước và cấp bộ, tỉnh và từng bước đẩy mạnh hoạt động sử dụng nguồn gen cho phát triển công nghệ, cho chọn tạo giống và sản phẩm nhằm mục tiêu thương mại để góp phần mang lại hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Từ tản mạn…
Ở Việt Nam, giai đoạn trước năm 1987, nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên di truyền được thực hiện rất tản mạn, chủ yếu bảo tồn mang tính tự nhiên đối với một số cây thuốc.
Giai đoạn từ năm 1987-2010, Ủy ban khoa học Kỹ thuật Nhà nước nay là Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định 2177/QĐ-KHCN ngày 30/12/1997 quản lý và bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật. Có thể nói, đây là những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đề cập đến vấn đề bảo tồn nguồn gen, từ đó nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên di truyền bớt tản mạn, từng bước hình thành hệ thống lưu giữ, bảo tồn quỹ gen theo chức năng các bộ, ngành. Tuy nhiên, công tác, điều tra, thu thập và nhập nội nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật đã và đang được các cơ quan trong hệ thống bảo tồn quỹ gen quốc gia tiến hành trong cả nước nhưng không thường xuyên và chưa hệ thống trên cả nước.
Đến giai đoạn 2010-2015, việc lưu giữ, bảo tồn, sử dụng, khai thác nguồn gen chính thức hình thành hệ thống với việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành nhiều Thông tư, Quy định về quản lý, bảo tồn nguồn gen. Chính giai đoạn này, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen được thực hiện theo 2 cấp quản lý là cấp nhà nước và cấp bộ, tỉnh. Theo đó, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt theo đề xuất đặt hàng của bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, các nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen đã có sự tham gia của doanh nghiệp để doanh nghiệp được sử dụng nguồn gen phát triển sản phẩm. Đồng thời, hình thành được hệ thống mạng lưới các cơ quan tham gia bảo tồn và quản lý nguồn gen trên toàn quốc.
Trong bối cảnh bùng nổ dân số và sự thay đổi không thuận lợi của môi trường, để đáp ứng với sự tăng dân số tại Việt Nam cũng như trên thế giới đòi hỏi phải có những giống động, thực vật có năng suất cao nhưng lại không làm mất đi nguồn gen đặc trưng quý báu. Vì vậy, việc bảo tồn nguồn gen rất quan trọng. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ khoa học "Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi", kết quả bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen vật nuôi tiếp tục được thực hiện giai đoạn 2010-2020 và định hướng cho giai đoạn tiếp theo.
Để bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường, từ nay đến năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết: Để bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường, từ nay đến năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg. Theo đó, Việt Nam đang ưu tiên xây dựng các vườn quốc gia, bởi thực tế, Việt Nam chưa có một vườn mang tầm cỡ quốc gia “đúng nghĩa”, nhằm mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
… đến quy hoạch
Việc bảo tồn nguồn gen, đặc biệt là nguồn gen động, thực vật quý hiếm là vấn đề cấp bách, có tính chất toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ dân số và sự thay đổi của môi trường, biến đổi khí hậu, vấn đề bảo tồn càng mang tính cấp thiết và cần triển khai có hiệu quả để không mất đi nguồn gen quý báu, mang tính đặc trưng, vì vậy việc quy hoạch để bảo tồn, khai thác nguồn gen bền vững mang tính cấp thiết, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái.
Liên quan đến việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Hiện nay, việc bảo tồn đa dạng sinh học và di truyền ngoài hình thức bảo tồn tại chỗ tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, hình thức bảo tồn chuyển chỗ cũng là nhiệm vụ cấp thiết. Nhận thức được tầm quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam đã quy hoạch và thành lập 164 khu rừng đặc dụng.
Tuy nhiên, các khu rừng này phần lớn phân bổ ở khu vực miền núi, vùng xa và vùng sâu và chỉ đại diện cho hệ sinh thái, hệ thực vật một vùng mà chưa có khu vực nào có hệ thực vật đủ đa dạng để đại diện cho Việt Nam với đúng tầm cỡ vườn quốc gia “đúng nghĩa”. Thực tế, việc xây dựng vườn thực vật quốc gia là việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, không thể một sớm một chiều và không thể xây dựng ở khu vực hoàn toàn mới. Việc xây dựng Vườn thực vật quốc gia là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện trong Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 1671/QĐ-TTg.
Cùng với hệ thống quốc gia chung về Bảo tồn quỹ gen, còn có một số hệ thống mạng lưới quốc gia chuyên ngành như: Hệ thống mạng lưới bảo tồn nguồn gen thực vật nông nghiệp; Hệ thống bảo tồn lưu giữ nguồn gen cây thuốc; hệ thống bảo tồn nguồn gen cây lâm nghiệp... Ngoài ra, mạng lưới bảo tồn nguồn gen vật nuôi cũng được thiết lập hơn 10 năm qua với hệ thống các viện, trung tâm nghiên cứu, trung tâm quốc gia giống thủy sản tại các vùng miền...
Do nhận thức về tầm quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen bền vững, từ năm 2010 đến nay, số lượng nguồn gen được lưu giữ, bảo tồn ở các cấp, địa phương tăng đáng kể. Việc bảo tồn, khai thác nguồn gen được sử dụng cho phát triển, chọn tạo giống và sản phẩm nhằm mục tiêu thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bài 3: Cần sự chung tay của các địa phương