Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên di truyền, trong 10 năm qua, Việt Nam đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật.
Đa dạng về loài, mạng lưới bảo tồn
Theo báo cáo thống kê, tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 1.400 loài thực vật bậc cao, bò sát có 296 loài, thú 322 loài, 887 loài chim, 176 loài ếch nhái, hàng vạn loài côn trùng và các loài động vật không xương sống khác, vi tảo ở vùng nước ngọt được xác định là 1.438 loài… chiếm 9,6% so với thế giới.
Trong số các loài thực vật, động vật và vi sinh vật, hiện có 21.393 các chủng vi sinh vật đã được bảo tồn; 45.975 nguồn gen cây nông nghiệp; 3.727 nguồn gen cây lâm nghiệp, 6.784 nguồn gen cây dược liệu… đã được bảo tồn.
Bên cạnh đó, phát hiện thêm 55 giống vật nuôi đưa số lượng vật nuôi được bảo tồn ở các cấp lên 887 giống trong đó nhiều giống được bảo tồn, khai thác và phát triển thành hàng hóa có thương hiệu trong và ngoài nước.
Việt Nam được xếp thứ 16 trên thế giới về các quốc gia có sự đa dạng về sinh học bậc nhất thế giới, đồng thời, được xem là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới. Đặc biệt, với hệ thống sông ngòi dày đặc, bờ biển dài hơn 3.200 km với hơn 4.000 đảo lớn nhỏ, Việt Nam đã có mặt trong danh sách 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và danh sách 20 vùng biển có lợi ích kinh tế lớn nhất toàn cầu từ hải sản với 12.000 loài sinh vật cư trú.
Trước thực tế sự phong phú, đa dạng sinh học bậc về loài của Việt Nam, giai đoạn từ năm 1987-2010, hệ thống lưu trữ bảo tồn quỹ gen đã hình thành theo chức năng của bộ như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo… Tuy nhiên, tình trạng suy giảm của các giống, loài bản địa đặc hữu, quý hiếm đang dần mất đi, thậm chí có loài có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ, bảo tồn.
Do đó, giai đoạn 2010-2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen theo 2 cấp quản lý là cấp Nhà nước và cấp bộ, tỉnh gồm 3 loại hình: bảo tồn nguồn gen, khai thác và phát triển nguồn gen, đánh giá di truyền nguồn gen. Theo đó, hệ thống mạng lưới các cơ quan tham gia bảo tồn và quản lý nguồn gen trên toàn quốc đã từng bước hình thành.
Đồng thời, đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen của 7 bộ, ngành và 57 địa phương đã được phê duyệt nhằm bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật. Hiện hệ thống mạng lưới các cơ quan tham gia bảo tồn và quản lý nguồn gen trên toàn quốc dần lớn mạnh và đa dạng gồm: Hệ thống mạng lưới bảo tồn nguồn gen thực vật nông nghiệp; Hệ thống mạng lưới bảo tồn lưu giữ nguồn gen cây thuốc của Bộ Y tế; Hệ thống mạng lưới bảo tồn lưu giữ nguồn gen cây thuốc của Bộ Quốc phòng; Hệ thống mạng lưới bảo tồn lưu giữ nguồn gen cây lâm nghiệp; Hệ thống mạng lưới bảo tồn lưu giữ nguồn gen vật nuôi; Hệ thống mạng lưới bảo tồn lưu giữ nguồn gen giống thủy sản với các Trung tâm Quốc gia giống thủy sản ở các vùng miền Bắc - Trung - Nam.
Hành lang pháp lý từng bước hoàn thiện
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên di truyền, trong 10 năm qua, Việt Nam đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật như: Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008 đã tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia bảo tồn tài nguyên di truyền thông qua các cơ chế về đồng quản và chia sẻ lợi ích.
Bên cạnh đó, nhiều luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên đã được ban hành để hoàn thiện và thúc đẩy việc bảo tồn khai thác và phát triển nguồn gen như: Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013; Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 ngày 21/11/2017; Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014; Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017; Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013QH13…
Đặc biệt, Nghị định số 59/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen cùng với Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 ban hành Chương tình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2177/QĐ-BKHCN ngày 30/12/1997 liên quan đến quy chế quản lý và bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật…. đã từng bước tạo hành lang pháp lý thuận lợi, góp phần thúc đẩy bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen các loài động thực vật tại Việt Nam.
Để bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường, từ nay đến năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg.
Đặc biệt, thông tin tại hội thảo đánh giá kết quả thực hiện đề án "Khung quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh giai đoạn 2013-2019 và chia sẻ nguồn gen mới diễn ra cho thấy, việc triển khai thực hiện đề án khung quỹ gen thời gian qua đã mang lại hiệu quả trong công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen. Số lượng nguồn gen được bảo tồn, lưu giữ thời gian qua tăng nhanh. Nhiều giống, loài quý hiếm, nguy cấp được bảo tồn, lưu giữ không còn trong tình trạng tuyệt chủng.
Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng đề án khung quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 để xem xét và phê duyệt trong quý II/2020, đảm bảo thực hiện thống nhất và triển khai chung trong toàn quốc.
Bài 2: Quy hoạch để bảo tồn