Các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn "Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Ngày 27/5, tại TP Hồ Chí Minh, Báo Kinh tế và Đô thị đã tổ chức Diễn đàn "Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Đây không chỉ là hoạt động thiết thực chào mừng 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là nơi hội tụ những tiếng nói từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và giới báo chí để khẳng định vai trò đồng hành không thể thiếu giữa hai lực lượng quan trọng này trong sự phát triển của đất nước.
Đồng hành cùng phát triển
Theo GS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, đây là năm thứ ba liên tiếp diễn đàn được tổ chức với quy mô mở rộng, thiết lập ba điểm cầu tại Hà Nội, Quảng Trị và TP Hồ Chí Minh. Sự kiện này đồng thời mang lại cơ hội để ngành báo chí và doanh nghiệp cùng nhìn lại, đánh giá và làm rõ hơn mối quan hệ hợp tác trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Ông Nguyễn Thành Lợi cho biết, báo chí với vai trò là “người bạn đồng hành tin cậy” cần thể hiện rõ sứ mệnh của mình, là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Báo chí phản ánh tâm tư của cộng đồng doanh nghiệp, kiến nghị chính sách, lan tỏa những mô hình tốt và những giải pháp hiệu quả.
"Vai trò cầu nối của báo chí với doanh nghiệp chưa bao giờ rõ nét như hiện nay. Trong giai đoạn đổi mới mạnh mẽ, tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế, báo chí không chỉ cung cấp thông tin cho bạn đọc mà còn dẫn dắt dư luận, phản ánh thực tiễn chính sách và gắn kết doanh nghiệp với nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách để cùng phát triển", ông Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, nhờ sự đồng hành của báo chí, ngành này đã dần khôi phục mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Có thể thấy, quá trình phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch là minh chứng rõ ràng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa báo chí, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp hiện đang mong chờ tháo gỡ vướng mắc cho hơn 500 dự án, từ đó tăng nguồn cung, giảm giá nhà và đạt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại diễn đàn.
“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp và nỗ lực tháo gỡ khó khăn. Trong quá trình đó, báo chí đóng vai trò là cầu nối trung gian quan trọng, giúp truyền tải tiếng nói của doanh nghiệp đến cơ quan chức năng, qua đó giúp quá trình phản hồi và điều chỉnh chính sách diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
Theo đại diện ban tổ chức diễn đàn Hoàng Anh, hiện nay, các xu hướng như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh không còn là lựa chọn mà là “mệnh lệnh của thời đại”. Trong dòng chảy này, để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững và đi xa, việc đổi mới không ngừng là điều cần thiết. Khi đó, báo chí không chỉ là người đồng hành trong việc hỗ trợ sản xuất và đầu tư mà còn là đối tác quan trọng trong truyền thông chiến lược, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững trong tương lai.
Đối tác đặc biệt
TS Phan Văn Thường, chuyên gia nghiên cứu chính sách kinh tế, nhận định: Nghị quyết 68-NQ/TW vừa được ban hành vào ngày 4/5/2025 là một “luồng gió mới” khơi dậy khát vọng phát triển, đặc biệt trong khối doanh nghiệp tư nhân. Đây là cuộc cải cách được kỳ vọng sẽ "cởi trói" cho khu vực tư nhân sau gần 40 năm đổi mới, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhanh chóng và bền vững hơn. Ngay sau khi Quốc hội thông qua các cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68, Chính phủ đã bắt tay triển khai, điều này thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của Nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân, một lực lượng năng động và then chốt trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, song song với chính sách, vấn đề được nhiều đại biểu tham gia hội thảo đề cập là khoảng cách giữa việc ban hành chính sách và thực tiễn triển khai đến doanh nghiệp vẫn còn khá xa. Theo Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, khoảng cách này chỉ có thể được rút ngắn thông qua vai trò của báo chí. Báo chí không chỉ đơn thuần đưa tin mà còn phản ánh thực tiễn của chính sách, chỉ ra những điểm nghẽn trong thể chế và phản ứng nhanh chóng với những bất cập trong quá trình áp dụng luật vào đời sống.
Ngoài ra, trong thời đại số, báo chí còn đóng vai trò là công cụ tham vấn chính sách hiệu quả, phản ánh đúng "nhịp đập" của nền kinh tế. Vai trò của báo chí trong nền quản trị hiện đại không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và phát triển bền vững.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn.
Ở góc độ công nghệ và chuyển đổi số, bà Văn Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP Hồ Chí Minh cho rằng, báo chí cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số, theo định hướng mới của Chính phủ. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp công nghệ, nhất là ngành vi mạch - bán dẫn đang cần sự tiếp sức từ báo chí trong việc truyền thông chính sách, phổ biến kiến thức và tạo dựng niềm tin thị trường.
"Trong bức tranh phát triển hiện nay, không ai có thể đi một mình. Sự hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thông tin hay quảng bá mà còn là quá trình tương tác chiến lược, hỗ trợ lẫn nhau để thích ứng với sự biến động của thời đại. Vai trò của báo chí như một “đối tác đặc biệt” của doanh nghiệp: Vừa là nơi cung cấp thông tin chính thống, vừa là kênh bảo chứng uy tín, định hướng dư luận, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong truyền thông chiến lược và xây dựng thương hiệu", bà Minh Hoa cho biết thêm.