Báo cáo nhanh công tác trực ban phòng chống thiên tai của Cục Bảo vệ đê điều và Phòng, chống thiên tai thông tin về cảnh báo lũ trên một số sông khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa: Từ ngày 7 - 10/9, trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2 - 6 m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hòa Bình có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3; đỉnh lũ trên sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long lên mức báo động 1 - báo động 2; sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức báo động 1; mực nước hạ lưu sông Hồng - Thái Bình ở dưới mức báo động 1. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ là cấp 1.
Về các hồ chứa thủy lợi, theo báo cáo của Cục Thuỷ lợi (tính đến 17 giờ ngày 6/9, Bắc Bộ có tổng số 2.543 hồ, dung tích đạt 80 - 96% dung tích thiết kế; hiện có 129 hồ hư hỏng, xuống cấp và 26 hồ đang thi công.
Bắc Trung Bộ có tổng số 2.323 hồ, dung tích đang ở mức thấp đạt 43 - 65% dung tích thiết kế; hiện có 145 hồ hư hỏng, xuống cấp và 52 hồ đang thi công. Các chủ hồ đã chuẩn bị, sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn hồ chứa.
Về tình hình đê điều, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 37 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý (Quảng Ninh: 2, Hải Phòng: 10, Thái Bình: 8, Nam Định: 8, Ninh Bình: 3, Thanh Hóa: 1, Hà Tĩnh: 5); 3 công trình đang thi công (2 cống trên tuyến đê Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh; tu bổ, nâng cấp đê biển I, TP Hải Phòng).
Một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố, nhưng chưa được xử lý, khắc phục (kè Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, Nam Định); tuyến đê Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình mới hoàn thành, nhưng chưa được gia cố mặt, mái phía đồng; địa phương đã chuẩn bị, sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn đê điều.
Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9 - 10, triều trung bình 5%; nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12 - 13, giật cấp 16. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản số 6505/BNN-ĐĐ ngày 4/9/2024 chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, các địa phương đã chủ động phương án ứng phó với bão.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 6 giờ 30 ngày 7/9, cơ quan chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá, 219.913 người; toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Nghệ An và Quảng Bình đã ban hành lệnh cấm biển.
Về tình hình nuôi trồng thủy sản từ Quảng Ninh đến Nghệ An, báo cáo của Cục Thủy sản thông tin: Khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176 ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thuỷ sản. Theo đó, nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13 - 14, giật cấp 17. Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thuỷ sản và di dời toàn bộ lao động đến nơi tránh trú an toàn.
Về tình hình sơ tán, di dời dân cư, các địa phương đã sơ tán 48.160 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 18.762 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 1.734 người; Ninh Bình: 2.685 người).
Qua kiểm tra thực tế và nghe các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh báo cáo nhanh về công tác phòng, chống bão số 3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Diễn biến của bão số 3 vẫn rất phức tạp, vì vậy, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác chuẩn bị ứng phó với các tình huống có thể phát sinh, nhất là tại các vị trí xung yếu như: Hồ đập, các tuyến đê biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức cho người dân hiểu về mức độ rủi ro, nguy cơ thiệt hại đối với từng cấp gió để chủ động phương án phòng tránh. Tuyệt đối không để người dân quay trở lại các lồng bè, tàu đang neo đậu khi chưa đảm bảo an toàn. Chuẩn bị đầy các vật dụng thiết yếu, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân ở vùng bị ảnh hưởng bởi bão khi cần thiết; sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn khi có vấn đề xảy ra.
Đặc biệt, Tư lệnh ngành Nông nghiệp yêu cầu phải lên phương án sẵn sàng ứng phó hoàn lưu sau bão. Trong thời gian tới, tỉnh nghiên cứu cơ chế xây dựng các cộng đồng dân cư ven biển để lấy đây là hạt nhân triển khai công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở.