Bài toán quản lý và quy hoạch giao thông

Một trong những nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay là quá trình phát triển đô thị hóa chưa được kiểm soát chặt chẽ. Thực tế phát triển ở thành phố cũng đã thể hiện tình trạng hạ tầng giao thông ở các khu vực vùng ven không theo kịp quá trình đô thị hóa tại đây.

Ùn tắc giao thông trên đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình. Ảnh: Văn Huân-TTXVN

Các khu dân cư, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện xuất hiện ngày càng nhiều trong điều kiện hệ thống giao thông chưa tương xứng. Khả năng kết nối giữa khu vực và vùng ven với khu vực trung tâm cùng với sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên.

Ý KIẾN:
Thạc sỹ Nguyễn Như Triển:
Cần một “Tổng Tư lệnh” về giao thông

Đã có nhiều Hội thảo chống ùn tắc giao thông được tổ chức tại TP.HCM, nhiều học giả, nhà khoa học, nhà quản lý và cả người dân đã nghiên cứu, phát hiện đưa ra rất nhiều các giải pháp nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời.
Giải quyết tận gốc nạn ùn tắc giao thông trong bối cảnh hiện nay, chính quyền thành phố cần bố trí một lãnh đạo có quyền lực, tâm huyết và mạnh dạn dám quyết, dám chịu về lĩnh vực giao thông vận tải. Tuy nhiên, người đứng đầu này phải có ngay một đề án” đánh giá sức chứa giao thông vận tải và đề xuất sức chứa hợp lý cho từng giai đoạn”. Từ đó tham mưu cho các cấp lãnh đạo có những quyết sách đúng đắn trong giải quyết vấn nạn này.

KTS Lưu Trọng Hải: Xác định mối quan hệ xe buýt và đường giao thông
Tại TP.HCM xảy ra tình trạng phát triển giao thông không đồng bộ với phát triển đô thị, tạo ra vấn nạn về giao thông. Quy luật là trong các quy hoạch chung thì quy hoạch giao thông với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác kèm theo phải đi trước một bước, rồi sau đó mới có thể tiến hành lập các quy hoạch chi tiết 1/500 cho các khu ở hoặc các khu chức năng nhỏ khác.
Lâu nay ta thường làm ngược quy trình này cho nên hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật thường không đồng bộ, không hoàn chỉnh. Vấn đề chủ yếu ở đây là trước khi giao dự án đầu tư chi tiết với các chức năng cụ thể cho các chủ đầu tư riêng lẻ thì trước tiên phải có một chủ đầu tư chung về hạ tầng kỹ thuật cho cả khu vực.
Muốn thay đổi nó một cách triệt để phải đồng thời với việc thay đổi cấu trúc đô thị bằng những khu ở chung cư tập trung, bằng một lối sống đô thị mới và bằng những phương tiện vận chuyển văn minh hơn, thuận tiện hơn. Do vậy, ngay từ bây giờ thành phố phải sớm xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, nổi và có những chính sách hạn chế dần xe 2 bánh. Hiện nay thành phố sử dụng khá nhiều xe buýt cỡ lớn chạy trên nhiều tuyến đường, nhưng hiệu quả không cao. Phải chăng nên có một phương tiện “quá độ” nào đó thích hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại như các loại xe buýt nhỏ, như xe lam ở Sài Gòn trước đây, như dạng xe tuktuk ở Băngcốc và Mumbai, như loại xe Jeep cải tiến ở Manila. Các loại xe này có thể chạy trên những tuyến đường nhỏ hẹp, ngóc ngách, không kềnh càng trên đường và có thể dừng đỗ một cách linh hoạt rất tiện lợi cho hành khách.



Hệ thống đường TP.HCM hiện có 3.800km, trong đó 70% là đường có bề rộng dưới 7m, diện tích giao thông chỉ chiếm 1,8km2 diện tích chung. Mặt cắt đường hẹp, quỹ đất dành cho giao thông quá ít mà xe buýt quá to lấn luôn cả xe gắn máy. Trong khi đường lại có quá nhiều ngõ ngách, các công trình công cộng và mạng lưới buôn bán nhỏ lẻ tập trung trong khu vực trung tâm, lấn chiếm lề đường… khiến cho tốc độ xe buýt luôn thấp, mất nhiều thời gian và không thuận lợi cho khách đi lại. Bên cạnh đó, nhận thức của người lái xe không tốt, lấn tuyến, chen lấn, vượt đèn đỏ, đón khách sai vị trí… là tác nhân gây nên tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tâm lý chung của người dân ai cũng muốn được hưởng những dịch vụ tiện ích tốt nhất cho mình, xu hướng của người dân là sống gần trung tâm vì thế muốn điều tiết lại dân cư, các cấp quản lý cần nghiên cứu và xây dựng thành phố đa trung tâm để dãn dân và những thành phố lớn như TP.HCM cần có những chính sách đặc thù để quy định hình thức giao thông riêng trên địa bàn TP.

Quy hoạch giao thông TP.HCM đã được triển khai thực hiện từ năm 2002 và đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2007. Ông Lê Toàn-Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, thành phố sẽ cải tạo và nâng cấp 5 quốc lộ hiện hữu; xây dựng 7 đường cao tốc liên vùng, 4 đường vành đai với tổng chiều dài 356km, 2 trục đường xuyên Bắc-Nam và Đông-Tây, hệ thống đường phố chính với tổng chiều dài 252km, 4 đường trên cao; cải tạo xây dựng 80 nút giao thông khác mức và 33 nút giao thông đồng mức; xây dựng mới 29 cầu và 2 hầm vượt song; phát triển hệ thống bến bãi, mạng lưới giao thông thủy, hệ thống cảng song, cảng biển, xây dựng mới sân bay Long Thành, phát triển 6 tuyến tàu điện ngầm và 3 tuyến xe điện mặt đất…

Tuy nhiên, quy hoạch giao thông mới chỉ mang tính định hướng, chưa được xác định cụ thể chi tiết các công trình giao thông. Trong khi đó các đồ án quy hoạch chi tiết đòi hỏi phải được triển khai cụ thể. Đối với các nút giao thông, quy hoạch giao thông chưa xác định cụ thể phạm vi đã ảnh hưởng đến công tác lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết. Trong đó Quy hoạch mạng lưới xe buýt hiện vẫn chưa thể thực hiện do đang vướng vào quy hoạch chung.

Theo ông Lê Hải Phong, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng: Nếu muốn có mạng lưới xe buýt hoàn thiện để nâng cao khả năng phục vụ người dân thì phải xây dựng được mạng lưới các trạm trung chuyển phù hợp. Mục tiêu của thành phố là thu hút lượng khách đi xe buýt càng nhiều càng tốt, nhằm hạn chế dần việc sử dụng phương tiện xe cá nhân. Thế nhưng, với tình trạng xe buýt xuống cấp và bãi đậu tạm bợ làm cho bộ mặt xe buýt càng trở nên xấu xí, rất khó thu hút người dân đi xe buýt.

Đăng Giới - Sĩ Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN