6 nhóm hành vi bị cấm thực hiện trên không gian mạng

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng quy định rõ 6 nhóm hành vi cấm thực hiện.

Luật An ninh mạng có hiệu lực từ hôm nay, ngày 1/1/2019, được kỳ vọng sẽ xử lý triệt để tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng để truyền bá những thông tin xấu độc, tin tức giả mạo, ảnh hưởng tiêu cực đời sống kinh tế xã hội.

Chú thích ảnh
Khi hoạt động trên không gian mạng, cần lưu ý một số hành vi bị cấm thực hiện. Ảnh minh họa

Theo đó, Luật An ninh mạng quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng, bao gồm:

- Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

- Thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

- Sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

- Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

- Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

- Hành vi khác sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định của luật này.

Theo lãnh đạo Bộ Công an, Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do, dân chủ của người dân và chưa có luật nào đưa ra những điều khoản bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng mới như luật này. Bên cạnh đó, quyền trẻ em được bảo vệ chặt chẽ trên không gian mạng và mọi công dân đều có thể thoải mái sử dụng mạng để hoạt động nếu không vi phạm pháp luật.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Luật An ninh mạng: Cơ quan an ninh không giám sát tất cả tài khoản cá nhân trên mạng
Luật An ninh mạng: Cơ quan an ninh không giám sát tất cả tài khoản cá nhân trên mạng

Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, gồm 6 chương 30 điều. Vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay về an ninh mạng là việc “lộ” tài khoản cá nhân của người dân, đã được quy định bảo mật chặt chẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN