Theo thống kê của Bộ GTVT, TNGT đường bộ năm 2019 giảm cả 3 tiêu chí, với mức giảm trên 5%; TNGT đường sắt tăng 2 tiêu chí (trong đó số vụ tăng 6,99%, số người chết tăng 9,57%); TNGT đường thủy giảm 2 tiêu chí về số vụ, số người chết, với mức giảm lần lượt là 17,5% và 33,33%, nhưng số người bị thương tăng 125%; TNGT hàng hải tăng 10 người chết và mất tích (chiếm 250%); lĩnh vực hàng không dân dụng đã xảy ra 95 sự cố, so với năm 2018 tăng 7 sự cố (chiếm 8%).
“Riêng lĩnh vực đường bộ, nguyên nhân lớn nhất là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường chiếm 20,51%, còn các vi phạm khác như: Vi phạm tốc độ xe chạy chiếm 5,52%, lái xe sử dụng ma túy chiếm 0,04%, lái xe sử dụng rượu bia chiếm 1,46%. Đối với lĩnh vực đường sắt, nguyên nhân lớn nhất là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường ngang, lối đi tự mở (chiếm 57,5%)", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nêu rõ.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, nhằm nắm bắt tình hình thực tế và đưa ra các giải pháp hiệu quả để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xác minh, tổng hợp thông tin của lái xe liên quan đến các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng trên toàn quốc. Kết quả trong 11 tháng đầu năm 2019, qua xác minh 70 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, có 2 vụ chủ phương tiện không có giấy phép lái xe, số năm hành nghề trung bình của lái xe bị tai nạn là 9,5 năm, độ tuổi trung bình của lái xe là 38,1 năm...
Thực tế, ngoài các lý do khách quan thì nguyên nhân chính của các vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; công tác quản lý lái xe của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, trong khi lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, tuần tra kiểm soát còn mỏng trên các địa bàn quản lý.
Để kiểm soát chặt và hạn chế thực trạng trên trong năm 2020, Bộ GTVT sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); xây dựng đề án “Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; triển khai hiệu quả trong thực tế đối với các Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt...
“Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở cả chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác về tổ chức, điều hành giao thông, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, quản lý đào tạo, cấp giấy phép chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, đăng kiểm phương tiện”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.