Ngày 18/8, thí sinh tiếp tục nườm nượp đổ về các trường Đại học (ĐH) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để rút, nộp hồ sơ. Đây hầu hết là những thí sinh có mức điểm dao động từ 17 - 23 điểm, nên chưa thể chắc chắn về cơ hội của mình tại các trường ĐH.
Vẫn nhịp điệu “rút, nộp”
Sáng ngày 18/8, cảnh nộp - rút hồ sơ tại ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội vẫn nhộn nhịp. Cầm hồ sơ ra khỏi đám đông, thí sinh Nguyễn Thị Hiền (Thọ Xuân, Thanh Hóa) tỏ rõ sự vui mừng. Hiền đã đạt 23,5 điểm khối A và xét tuyển vào ngành Kế toán của trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhưng không đạt. Trường mà Hiền chọn nộp hồ sơ tiếp theo là Học viện Bưu chính Viễn thông. “Nếu so với năm ngoái, mức điểm của em lẽ ra đã đủ để đỗ ngành Kế toán của trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhưng năm nay thì không. Em rút hồ sơ để nộp đơn vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ngành Công nghệ thông tin và ngành Kỹ thuật điện; là những ngành chắc chắn em thừa điểm đỗ”, Hiền cho biết.
Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ tại ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đan Phương |
Trong khi “làn sóng” hồ sơ từ các trường top trên đổ về các trường top giữa như Học viện Bưu chính Viễn thông; thì đồng thời cũng có một “làn sóng” hồ sơ nữa từ các thí sinh có mức điểm từ 17 - 19 điểm của Học viện Bưu chính Viễn thông đổ về các trường có mức điểm xét tuyển thấp hơn, mà chủ yếu là các trường phía Nam. Thí sinh Phạm Mạnh Hà (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: “Với mức điểm của em thì cơ hội ở những trường top giữa và ngành học mình quan tâm là không còn. Những trường phía Nam có vẻ lấy điểm “mềm” hơn, nên em nộp đơn để chắc chắn cơ hội đỗ”.
Theo lãnh đạo một số trường, cơ hội đỗ nguyện vọng 1 vẫn còn nhiều cho thí sinh nếu chịu khó so sánh bảng điểm. Thay vì cứ chọn ngành hot và khối thi truyền thống, thì thí sinh hoàn toàn có thể chuyển sang những tổ hợp mới hoặc ngành học mới, để có mức điểm xét thấp hơn và có cơ hội đỗ cao hơn.
Song song với việc giải quyết rút - nộp hồ sơ, nhiều trường đã cập nhật điểm chuẩn tạm thời. Theo ban đào tạo trường ĐH Điện lực, trong những ngày qua trường tiếp nhận 1.500 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu là 2.000. Mặc dù số hồ sơ nộp vào còn thiếu so với chỉ tiêu, nhưng trường vẫn quyết không hạ điểm chuẩn tạm thời. Hiện mức điểm chuẩn tạm thời của nhiều ngành vẫn ở ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển. Một số ngành hot có điểm chuẩn ở mức 17,75 đến 21,75.
Bắt đầu cập nhật kết quả từng ngày
Tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, rất đông thí sinh xếp hàng chờ nộp hồ sơ. Bác Nguyễn Văn Hải ở Lâm Đồng cho biết: “Cháu nhà tôi được 22 điểm, đã nộp hồ sơ bên trường ĐH Bách khoa, nhưng thấy khả năng không đậu, nên tới rút và chuyển qua ngành Vật lý của trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Nộp hồ sơ tại Sở Giáo dục tỉnh không yên tâm cho lắm, nên hai bố con xuống trực tiếp rút nộp luôn, có gì còn được nhà trường tư vấn. Năm nay sao mà tôi thấy phức tạp quá”.
Nhà ở Đắk Lắk, thí sinh Trần Thái Hòa, có tổng điểm số (gồm cả điểm số được nhân hệ số 2) là 29 điểm, cho biết: “Sau khi có kết quả thi, em không nộp hồ sơ luôn mà chờ đến ngày gần cuối mới nộp, vì nhà ở xa nộp ra rút vào, đi lại nhiều lần tốn kém lắm. Giờ theo dõi điểm em quyết định nộp vào ngành giáo dục mầm non của trường ĐH Sài Gòn”.
Thầy Mỵ Giang Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sài Gòn cho biết, trong ngày 18/8, trường có 345 bộ hồ sơ nộp vào, như vậy, tổng số hồ sơ nộp vào trường đến nay là 13.816 bộ hồ sơ. Còn hồ sơ rút ra là 319 bộ, tổng số hồ sơ rút ra tính tới thời điểm này là 6.616 hồ sơ. Hiện nay, nhà trường đã thực hiện công bố điểm chuẩn dự kiến trước 13 giờ hàng ngày, thí sinh có thể lên website của trường, vào mục kết quả xét tuyển năm 2015 để theo dõi điểm chuẩn dự kiến này. “Căn cứ vào điểm chuẩn dự kiến vào từng ngành và từng tổ hợp của mỗi ngành, thì thí sinh biết được gần như là khá chính xác kết quả xét tuyển của mình. Trên cơ sở đó thí sinh quyết định để lại hồ sơ hay rút hồ sơ”, thầy Sơn cho biết.
Tiến sĩ Trần Thế Hoàng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo - Công tác sinh viên trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Vào những ngày gần cuối lượng hồ sơ rút, nộp vào các trường ĐH sẽ tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của thí sinh, thay vì trước kia 3 ngày trường cập nhật thông tin một lần, thì hiện nay đã cập nhật hàng ngày và tăng cường tối đa lực lượng tạo điều kiện cho học sinh rút nộp hồ sơ một cách nhanh nhất. “Dự kiến vào ngày cuối lượng hồ sơ rút ra sẽ rất đông, các thí sinh nên rút hồ sơ trước ngày 20 để còn kịp nộp hồ sơ vào các trường khác”, TS Hoàng cho biết.
Tuy nhiên, theo TS Hoàng: Dù từ ngày 20/8 nhà trường sẽ dừng việc nhận và rút hồ sơ, nhưng kết quả vẫn phải chờ đợi, do còn phụ thuộc vào lượng hồ sơ các em nộp theo đường bưu điện hoặc ở Sở Giáo dục các tỉnh gửi lên.